Đìu hiu "làng tỷ phú" Đồng Kỵ

Admin
Không chỉ nhiều tỷ phú nhất, Đồng Kỵ từ lâu còn được xem là làng có nhiều người sở hữu ô tô con bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh.

Đường vào làng tỷ phú nhiều căn nhà hoành tráng mọc lên san sát

Danh sách tỷ phú “teo” dần

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20km về phía Đông Bắc, nằm trên tỉnh lộ 232, nay đổi tên thành đường Nguyễn Văn Cừ, “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú” là những cái tên mà lâu nay người ta vẫn quen dùng khi nói về làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh).

Về Đồng Kỵ thời gian này, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự trầm lắng, ảm đạm đến mức kinh ngạc nếu so với thời gian cách đây chừng dăm năm. Vẫn những dãy nhà cao tầng san sát, vẫn hàng trăm biển hiệu công ty, song không khí lao động khẩn trương, hối hả đã không còn. Tiếng cưa, xẻ, đục đẽo lách cách vì thế cũng chẳng còn dậy lên ở khắp các ngõ xóm mà chỉ lác đác ở một vài nhà tại làng nghề đồ gỗ được xem là lớn nhất miền Bắc này.

Tương tự, hàng trăm cửa hàng bán đồ gỗ dọc hai bên đường Nguyễn Văn Cừ tịnh không một bóng người. Tình trạng vắng khách triền miên khiến không ít cửa hàng đóng cửa, không thiết bán.

Ông Vũ Văn Lượng, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho hay, trước năm 1997, làng có tên nôm là làng Cời. Sau tái lập tỉnh, từ năm 1997 đến tháng 8/1999, làng thuộc xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn. Từ tháng 9/1999 thì thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn. Năm 2008, theo quyết định thành lập TX Từ Sơn, chia tách xã Đồng Quang thành phường Trang Hạ và phường Đồng Kỵ. Đến nay, Đồng Kỵ có thêm một khu công nghiệp làng nghề, cùng với 2 khu dân cư với khoảng 22.000 người.

Nghề mộc là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Trước năm 1975, dân làng Cời chủ yếu đi đóng thuê giường, tủ, bàn, ghế… cho các vùng. Tuy nhiên, sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, tiếp cận với thị trường miền Nam, người dân làng Cời nhận thấy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại miền Nam rất lớn, sẵn có tay nghề trong tay, nhiều người dân Đồng Kỵ đã trở về quê hương.

Họ dùng đôi tay khéo léo của mình để tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ gỗ cao cấp tinh tế và cung cấp đến khắp các tỉnh trong nước, đặc biệt là miền Nam, rồi sau này xuất sang cả Trung Quốc.

“Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu từ lâu đã là thế mạnh của làng, với thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, không chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho người dân trong làng mà còn thu hút hàng nghìn lao động bên ngoài. Có thể nói, khoảng 10 - 15 năm trước, ở đây cứ bước chân ra ngõ là gặp tỷ phú”, ông Lượng cho hay.

Tuy nhiên, trái ngược với những năm trước, nếu như hàng ngày có cả nghìn khách Trung Quốc tấp nập về làng ký hợp đồng mua hàng, đến giờ chỉ lác đác vài người. Phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của Đồng Kỵ đều đang trong tình trạng làm ăn khó khăn. Không ít người thua lỗ, ít thì vài trăm triệu, nhiều có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

“Trước đây, dân Đồng Kỵ cứ nói vui với nhau rằng, bước chân ra ngõ là gặp giám đốc. Nhưng nếu tình trạng ế ẩm như thế này cứ kéo dài thêm vài năm nữa, e rằng ra ngõ sẽ chẳng còn được gặp giám đốc nào”, ông Lượng nói và cho hay, các sản phẩm của Đồng Kỵ được làm bằng các loại gỗ quý và những năm gần đây đa phần xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường vốn ưa chuộng và có nhu cầu lớn về gỗ tự nhiên.

Tuy nhiên, nhiều năm nay việc xuất khẩu bị đình trệ, lượng tồn của các mặt hàng gỗ, nhất là gỗ trắc lên tới hàng chục nghìn m3.

Cũng theo ông Lượng, đã có không ít doanh nghiệp phá sản, có giám đốc nợ đến hàng chục tỷ đồng, phải bỏ trốn sau khi đã bán hết đất đai, tài sản. Nhiều người trước đây nổi tiếng giàu có, chịu chơi xong đến giờ cũng phải bỏ đi biệt xứ vì không đủ tiền trả nợ.

Trước đây, đường làng tấp nập các loại ô tô xịn như Lexus, Camry, giờ chỉ còn lại rất ít, nhiều chiếc trong số đó đã được chủ nhân đem gán nợ. “Làng nghề hiện có hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, phần lớn trong số này những năm trước đây đều ăn nên làm ra. Nhưng mấy năm nay, năm nào cũng có doanh nghiệp trước kia được gọi là đại gia xin giải thể vì làm ăn không hiệu quả. Giờ hầu hết kém đi nhiều và danh sách tỷ phú cũng vì thế mà “teo” dần”, ông Lượng cho biết.

Nguyên nhân chính do nguồn nguyên liệu đầu vào khó khăn, đầu ra sản phẩm ế ẩm, tiêu thụ một cách nhỏ giọt.

Một nghệ nhân có thâm niên trong nghề cho biết, rất khó để đưa ra danh sách đầy đủ những tỷ phú trắng tay ở Đồng Kỵ thời gian qua. Bởi lẽ, chẳng có ai lại đi rêu rao rằng mình đã chính thức phá sản. Tuy nhiên, cứ chứng kiến những cảnh siết nợ, bỏ trốn, bán tống bán tháo đất đai, nhà cửa của các “đại gia”, không khó để nhận ra những người đó đã chính thức tán gia bại sản.

Tìm hướng đi mới, thị trường mới

Trong khi đó, bà Vũ Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai cũng thông tin, các sản phẩm gỗ hiện nay xuất khẩu ra thị trường nước ngoài ít hơn so với trước kia rất nhiều. Tuy nhiên, những sản phẩm có thương hiệu vẫn tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước.

 Bên trong một cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Đồng Kỵ

Tương tự, bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Kim Long cho biết, những sản phẩm của gỗ Đồng Kỵ hiện nay xuất khẩu không được nhiều, song ngược lại, các sản phẩm như giường, tủ, bàn ghế, bàn trang điểm lại bán rất chạy ở thị trường trong nước.

“Những năm trước, sản phẩm của công ty chúng tôi như các loại bàn ghế, ghế trường kỉ làm bằng các loại gỗ quý như trắc, hương xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng rất lớn, giá từ 120 - 300 triệu đồng/bộ. Nhưng nay đã không còn được như trước nữa, hiện chúng tôi chỉ tập trung vào thị trường trong nước”, bà Thúy cho hay.

Lý giải danh sách tỷ phú ở làng cứ “vơi dần” từ một góc độ khác, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ cho hay, hiện nhiều đại gia, tỷ phú đã lui về “ở ẩn”, giao lại công ty, doanh nghiệp cho con cháu và những người khác kế nhiệm. Bên cạnh đó, cũng còn có lý do khác nữa là nhiều người trót “ôm” các loại gỗ quý hiếm, thậm chí có những người “ôm” gần 20 năm, từ năm 2000 đến nay.

Trong khi đó, giá gỗ lên xuống thất thường. Chính vì sự lên xuống thất thường đó mà những “đại gia” trót đi vay với lãi suất cao để “ôm” gỗ đã phải ôm hận. Mặt khác, trước đây, cả nước chỉ có làng nghề gỗ Đồng Kỵ là phát triển mạnh, sản xuất được những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Hiện nay, bên cạnh Đồng Kỵ, rất nhiều địa phương trên cả nước cũng tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.

“Muốn phát triển vực dậy làng nghề cần phải thay đổi, cần có những chính sách mới cho làng nghề để phát huy giá trị cũng như thương hiệu làng nghề gỗ Đồng Kỵ một cách bền vững và hiệu quả”, ông Vương nói.

Cũng theo ông Vương, hiện các doanh nghiệp ở đây đang vướng trong việc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì vậy, thông qua hiệp hội, các công ty, doanh nghiệp ở đây mong muốn được các cơ quan chức năng tạo điều kiện đơn giản hơn nữa về các thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu, dành nhiều ưu đãi hơn nữa cho họ để xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ Đồng Kỵ ra nước ngoài.

“Chúng tôi cũng đang trải thảm để mời các doanh nghiệp tham gia hiệp hội, vì trong số hơn 100 doanh nghiệp ở Đồng Kỵ, chỉ mới có gần 30 doanh nghiệp tham gia”, ông Vương cho biết thêm.