Con tàu trị giá 16,5 tỉ đồng nằm phơi nắng vì các bên chưa thống nhất được quan điểm - Ảnh: B.D |
Sự việc xảy ra ở Quảng Nam giữa ông Trần Văn Liên, chủ tàu vỏ thép Qna 94679 TS và Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy khiến cho chủ tàu phải đi làm thuê còn doanh nghiệp đóng tàu phải phát đơn kêu cứu vì khoản nợ hơn 10 tỉ đồng.
Doanh nghiệp tố chủ tàu "ngang ngược"
Theo hồ sơ, năm 2015, ông Trần Văn Liên có hợp đồng với Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy đóng con tàu vỏ thép tổng trị giá 16 tỉ đồng trong đó Bảo Duy chỉ đóng phần vỏ và một số trang thiết bị, còn hệ thống máy chính do ông Liên hợp đồng riêng với Công ty TNHH Dịch Vụ Kỹ Thuật Liên Á trang bị.
Sau khi hoàn thành, các bên đưa tàu ra chạy thử đường dài thì phát sinh sự cố màng lọc luynh bị hỏng, lốc máy bể.
Ông Trần Văn Liên sau đó kiện cả Công ty Bảo Duy và Công ty Liên Á ra tòa.
Tại phiên phúc thẩm do TAND tỉnh Quảng Nam xét xử đầu 2018, tòa tuyên Liên Á phải hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1,57 tỉ đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy thủy bị hư hỏng.
Ông Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc Công ty Bảo Duy, cho biết trong vụ việc trên dù không liên quan trực tiếp đến việc xảy ra sự cố kỹ thuật của tàu vỏ thép nhưng Bảo Duy cũng đã tìm cách tháo gỡ để đưa con tàu vỏ thép sớm thả neo trong thời gian đợi phán quyết của tòa.
Cụ thể, theo ông Kỳ, công ty Bảo Duy đã đặt mua hệ thống máy chính trị giá hơn 2 tỉ đồng để thay máy, cộng thêm 600 triệu đồng chỉnh sửa một số hạng mục khác.
Như vậy là Bảo Duy đã chi ra 2,6 tỉ đồng, đến tháng 12-2017, sau khi sửa tàu xong, công ty này tổ chức chạy thử đường dài và được ông Liên cùng với các cơ quan chức năng nghiệm thu, ra biên bản bàn giao.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Kỳ "điều ngạc nhiên là trái ngược với các tuyên bố trước đó", lúc này ông Liên lại không chịu nhận tàu.
Theo ông Kỳ, chính việc "treo" này đã khiến Bảo Duy lâm vào tình trạng khó khăn khi ngoài 2,6 tỉ đồng nói trên, còn thêm khoản tiền 7,5 tỉ đồng nợ đóng tàu ông Liên vẫn chưa thanh toán, tổng cộng hơn 10 tỉ đồng.
"Không những chưa hoàn trả tiền đóng tàu mà ông Liên còn yêu cầu Bảo Duy phải hỗ trợ thêm 600 triệu đồng tiền mặt, hỗ trợ thêm các khoản để mua sắm trang thiết bị cho tàu. Điều này là hoàn toàn vô lý và ngang ngược", ông Nguyễn Quang Kỳ nêu trong đơn kêu cứu gửi tới Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Nam và các đơn vị.
Chủ tàu: "Doanh nghiệp nói không đúng"
Ngày 3-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Liên cho biết những rắc rối mà ông phải vướng vào trong việc đóng mới tàu vỏ thép đã khiến kinh tế gia đình ông kiệt quệ.
Theo ông Liên, 3 năm nay, ông phải mất rất nhiều thời gian để theo đuổi sự việc, tàu không có để ra khơi, nợ ngân hàng thì cứ treo lơ lửng.
"Từ hôm đóng tàu đến nay tui phải đi làm thuê ngày kiếm đôi ba trăm ngàn. Từ việc mình là chủ tàu trở thành người đi làm thuê", ông Liên cho biết.
Ông Liên nói rằng lí do mà ông chưa nhận bàn giao tàu là khoản chi phí phát sinh lên tới hàng trăm triệu đồng giữa ông và Bảo Duy chưa tìm được tiếng nói chung.
Ngoài ra, một số trang thiết bị trang bị trên con tàu cũng chưa phù hợp với thói quen đánh bắt khai thác của ông.
Theo ông Liên, nếu tàu đóng mới đó không bị sự cố khiến tàu chậm thì khoản sửa chữa sẽ được bảo hiểm lo, nhưng vì sự cố kéo dài nên nay đã hết hạn.
Khoản tiền này, theo ông Liên, phải thanh toán thì ngân hàng mới giải ngân để có tiền trả cho Bảo Duy.
Đấy là chưa kể trong ba năm qua lãi ngân hàng phát sinh thêm 300 triệu đồng ông phải gánh, mà tàu thì không có đi biển nên không biết lấy tiền đâu để trả.
"Khi đóng mới tàu, tui dốc toàn bộ cả tài sản gia đình được 800 triệu đồng để đối ứng cho ngân hàng, nay lấy gì để trả một lúc mấy trăm triệu đồng?", ông Liên nói.
Ngư dân này cũng cho rằng những nội dung phía Bảo Duy "tố" ông trong đơn kêu cứu là "không đúng".
Ông Liên cho biết từ khi con tàu được Công ty Bảo Duy đưa vào sửa chữa và bàn giao tới nay ông chỉ mới gặp được lãnh đạo công ty một lần.
"Tui muốn gặp họ để thương lượng, đề nghị tháo gỡ thì ra tới cổng họ đóng cửa chỉ cho cấp dưới tiếp. Tui gọi điện thì ông giám đốc không bắt máy. Tui cũng khổ chứ đâu sung sướng gì. Cứ tình hình như thế này thì cả tôi và công ty cũng đều thiệt", ông Liên nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết đã nhận được đơn kêu cứu của Công ty Bảo Duy và nói rằng "chỉ có thể đóng vai trò cơ quan trung gian kết nối.
Ông Tấn cho biết sắp tới, sở sẽ mời bốn bên gồm ông Liên, Công ty Bảo Duy, Công ty Liên Á và ngân hàng cùng ngồi lại để tìm cách tháo gỡ, sớm đưa con tàu ra biển đánh bắt.