Tin địa phương

Doanh nghiệp ở Hải Phòng ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ

Chiều 11/4, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trao đổi về Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, nhằm lắng nghe ý kiến và nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng đại diện lãnh đạo của khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trao đổi về Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Ảnh: Thanh Sơn

Theo Sở Công thương Hải Phòng, việc áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Mức thuế xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 - 20%. Điều này sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam giảm sự cạnh tranh do giá cao.

Phần lớn giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Hải Phòng đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu là các nhà máy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đặt tại các KCN, KKT trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Trước khi Hoa Kỳ áp thuế suất nhập khẩu 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, mức thuế suất trung bình áp dụng theo quy chế tối huệ quốc (MFN) của Việt Nam là khoảng 9,4%. Cụ thể: Thuế suất trung bình cho các sản phẩm nông nghiệp là 17,1%; Thuế suất trung bình cho các sản phẩm phi nông nghiệp là 8,1%; Phần lớn hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam chịu thuế suất khoảng 15% hoặc thấp hơn.

Theo báo cáo phân tích tổng hợp tình xuất nhập khẩu và đánh giá tác động về việc Hoa Kỳ nâng mức thuế lên 46% đối với các doanh nghiệp hoạt động trong KKT, KCN của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thì qua khảo sát 64/130 doanh nghiệp xuất khẩu, giá trị xuất khẩu 28,7 tỷ USD (chiếm 80% toàn thành phố); Xuất khẩu gián tiếp sang Hoa Kỳ khoảng 6,11 tỷ USD, tổng thiệt hại khoảng 2,81 tỷ USD (phương pháp tính: thiệt hại = giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ × thuế suất 46%). Tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 64 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp thông qua hình thức chỉ định xuất khẩu.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Ảnh: Thanh Sơn

Tại hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Tác động từ mức thuế 46% đã làm ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia và thành phố Hải Phòng. Gây lo ngại cho các doanh nghiệp trong thực hiện chiến lược kinh doanh. Các khách hàng dừng hoặc hoãn ký kết các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Chi phí xuất khẩu tăng, lợi nhuận giảm, mất thị phần tại đây. Doanh nghiệp khó tìm ngay được thị trường thay thế, buộc giảm sản lượng và nhân công, hủy kế hoạch đầu tư.

Mức độ ảnh hưởng có thể lan rộng hơn nữa như làm giảm thu hút đầu tư FDI, suy giảm tăng trưởng công nghiệp, logistics, xuất khẩu, thu ngân sách của thành phố; chuỗi cung ứng nội địa gặp rủi ro đứt gãy; lao động mất việc làm, tăng áp lực xã hội, cần hỗ trợ việc làm và an sinh xã hội.

Các kiến nghị của các doanh nghiệp tại hội nghị tập trung vào các vấn đề chính như Chính phủ đàm phán giảm thuế với Hoa Kỳ; Hỗ trợ giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng; Mở rộng thị trường thay thế (EU, Nhật, Hàn Quốc); Áp dụng chính sách ưu đãi thuế, phí tạm thời...

Ông Kim Hwanki, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn

Ông Kim Hwanki, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cho biết: “Với quy mô phát triển như hiện tại, trong năm nay và sang năm, chúng tôi dự kiến mở rộng quy mô tại KCN Tràng Duệ. Tuy nhiên, vấn đề về thuế quan của Hoa Kỳ thì chúng tôi cần xem xét lại về vấn đề đầu tư sang năm sau. Tôi cảm thấy rất may mắn vì bắt đầu từ tuần trước, chính phủ Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên và những đàm phán đầu tiên với Chính phủ Hoa Kỳ và chính sách thuế quan này đã được lùi lại 90 ngày”.

“Với LG Electronis thì chúng tôi tiến hành xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng điện tử sang thị trường Hoa Kỳ còn đối với LG Innotek và LG Display thì đang tiến hành nhập khẩu linh kiện từ Hoa Kỳ. Năm 2024, LG Electronis đã xuất khẩu hơn 12 tỷ USD. Tôi mong rằng, không chỉ chính quyền TP. Hải Phòng cũng như Chính phủ Việt Nam đặt nhiều quan tâm, có tác động tích cực đến vấn đề thuế quan, đàm phán này để LG Electronics nói riêng và Tập đoàn LG sẽ tiếp tục phát triển bền vững hơn”, ông Kim Hwanki chia sẻ.

Ông Yu Hsiung-Tieh, Chù tịch Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu Xây dựng Jinka. Ảnh: Thanh Sơn

Còn ông Yu Hsiung-Tieh, Chù tịch Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu Xây dựng Jinka chia sẻ: “Quyết định thuế đối ứng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến Jinka do hơn 95% sản phẩm của Jinka xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Jinka đánh giá cao nhiều ưu điểm của Việt Nam như an toàn, nhân công và môi trường, đồng thời mong muốn tiếp tục được mở rộng, phát triển bền vững tại TP. Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Về việc đề xuất các giải pháp ứng phó, tại hội nghị, ông Đặng Công Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực III cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động xuất nhập khẩu. Sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ khó khăn và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả việc giải quyết vướng mắc về thuế và chính sách, hoạt động 24/7 để phục vụ doanh nghiệp, kể cả ngày nghỉ. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ông Đặng Công Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực III cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Thanh Sơn

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực III cho biết, cơ quan Thuế sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, theo dõi, đánh giá tác động của chính sách thuế và điều chỉnh dựa trên phản ánh của doanh nghiệp. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan, ban hành các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền của thành phố để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ. Chủ động phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp đối phó với điều tra thuế.

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực III cho biết, cơ quan Thuế sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, theo dõi, đánh giá tác động của chính sách thuế và điều chỉnh dựa trên phản ánh của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn

Đối với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên cho biết, Ban quản lý và TP. Hải Phòng sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu mới, giảm dần lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP,... Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế. Cập nhật thường xuyên thông tin về diễn biến mới nhất liên quan đến chính sách phòng vệ thương mại, để doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, tiện ích để nâng cao năng lực cạnh tranh vượt trội của thành phố về kết cấu hạ tầng đồng bộ và giúp giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh quy hoạch và xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, Khu Thương mại tự do để mở rộng không gian kinh tế và chính sách phát triển chiến lược cạnh tranh cho thành phố.

Về phía doanh nghiệp, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế mong muốn các doanh nghiệp cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa bền vững, chủ động hơn trong nguyên liệu và linh kiện. Chủ động đầu tư vào chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới trong quản lý, sản xuất nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài. Tập trung xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt thay vì cạnh tranh dựa trên giá rẻ. Chủ động đa dạng hóa, mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược, kế hoạch thích ứng hiệu quả trước mắt và lâu dài.

Tác giả: Thanh Sơn

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP