Doanh nghiệp Việt gom đặc sản đi chinh phục thị trường Thái

Admin
Để lội ngược dòng sang quốc gia mạnh về nông sản như Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam chọn những đặc sản độc lạ, hữu cơ, chất lượng nhất.

Hơn 30 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam đang đứng chung tại khu trưng bày có tên gọi "Nhà Việt Nam" tại Thaifex 2018, một hội chợ quốc tế hàng đầu Thái Lan chuyên ngành thực phẩm, đồ uống ở châu Á.

Trong số này, vài tên tuổi đã có hàng xuất đi nhiều năm, một số lần đầu sang tìm hiểu thị trường. “Năm trước, thị trường Thái Lan mang về 1,5 triệu USD. Năm nay chúng tôi muốn phát triển lên khoảng 3 triệu USD”, ông Nguyễn Xuân Hiếu - Phụ trách thị trường châu Á, châu Phi của Trung Nguyên nói.

Bà Lê Thanh Diễm - Trưởng phòng kinh doanh Công ty bột thực phẩm Tấn Sang cho biết đây là lần đầu đơn vị tham gia để kết nối, thu thập thông tin nhu cầu thị trường quốc tế nhằm hoàn thiện sản phẩm.

“Đó là tôm khô Tiến Hải, cốm dẹp Trà Vinh để giới thiệu, cũng là thăm dò thị trường”, ông Nguyễn Trường Chinh - Giám đốc công ty Năm Thụy, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Trà Vinh cũng chia sẻ.

 Khách tham quan và dùng thử các sản phẩm sấy của Việt Nam.

Bởi Thái Lan là "thủ phủ" về nông sản và thực phẩm chế biến ở Đông Nam Á nên doanh nghiệp Việt cũng biết tự lượng sức mình. Để "Nhà Việt Nam" được chú ý và gây ấn tượng, sản phẩm mang qua hầu như là hàng độc lạ, đặc sản và chất lượng nhất.

Trong khi Cỏ May tung nhiều sản phẩm mới như da cá basa chiên, bánh phồng nấm rơm... thì Vinamit chọn sữa chua sấy làm át chủ bài. Công ty chọn 6 vị đặc trưng nhất trong tổng cộng 16 vị sữa chua sấy để mang sang.

Theo bà Đặng Thị Diễm Thúy - Phụ trách mảng kinh doanh nội địa Vinamit, những sản phẩm truyền thống như mít sấy, mít khô, xoài sấy dẻo rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp Thái. Thế nên, cả những mặt hàng này cũng phải khác biệt về mùi vị.

"Vị sản phẩm không quá ngọt và màu sắc không đậm như sản phẩm của Thái Lan", bà Thúy thuật lại nhận xét của khách hàng.

Cùng với đó, nhóm nông sản hữu cơ cũng là một cách tiếp cận thành công bước đầu. “Các doanh nghiệp phải rất tất bật tiếp khách đến tìm hiểu về gạo hữu cơ, trái cây hữu cơ…”, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao điểm lại tình hình hôm đầu tiên.

Bà Hạnh cho biết, sáng 29/5, Việt Nam đã tiếp hai đoàn khách của Nhật, Thái Lan đến và ăn thử những sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là sầu riêng và thanh long, và họ nói “quá ngon".

Bà Alice Sim Bee Oui - Giám đốc phát triển công ty Tai Foong USA, trước nay mua gạo của Thái Lan thông qua CJ để làm đồ ăn tiện lợi. Tuy nhiên, bà cho hay nguồn gạo không ổn định về một số mặt. Bà muốn làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam để thông qua CJ mua gạo hữu cơ Việt Nam.

Tuy nhiên, nông sản Việt vẫn còn phải học hỏi nhiều ở các "ngôi sao quốc tế". Bà Hạnh cho hay, gian hàng đông nhất là của Nhật Bản và Hàn Quốc, với thiết kế chỉn chu, màu sắc dân tộc nổi bật. Ngó "người ta" thì nhìn lại bao bì của mình vẫn là chuyện 'biết rồi, nói mãi'.

"Có thể nói bao bì sản phẩm Việt nhìn chung còn thua các nước. Chuyện ấy không mới. Cái mới là họ đang đua kịch liệt về thay đổi chất liệu và kỹ thuật trong khi ta còn lơ ngơ cãi nhau về... mỹ thuật. Tuy nhiên, chất lượng, độ tinh tế thì sản phẩm Việt Nam nhiều mặt hơn", bà Hạnh lạc quan.

Ngoài ra, các chính sách bảo hộ nông sản của Thái Lan không phải là vấn đề nhỏ. Chỉ trong ngày đầu tiên, VinEco đã tiếp xúc được 25 khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đại diện công ty, điều bất lợi là Thái Lan bảo hộ sản phẩm nông nghiệp rất chặt chẽ. Hải quan rất khó với nông sản nhập và luật pháp bảo vệ nông dân, nông sản của họ đến cùng.

"Do đó, nếu thực hiện tất cả các thủ tục như là kiểm dịch, thì chi phí mang hàng sang Thái Lan sẽ rất cao… Đó là thực tế chúng ta cần chú ý", phía công ty nói.