Với phát biểu tại cuộc tọa đàm về Sơn Trà do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch tổ chức ngày 30-5, ông HUỳnh Tấn Vinh (đứng) bị bộ "đề nghị xử lý" - Ảnh: V.V.Tuân |
Hai ngày sau khi ra công văn gửi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh (chủ tịch Hiệp hội) vì phát ngôn tại của ông Vinh về quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà gây phản ứng cho dư luận, ngày 4-6, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã gửi văn bản thu hồi công văn "xử lý" trên.
Ngày 30-5 tại tọa đàm Phát triển du lịch bền vững khu du lịch Sơn Trà, ông Huỳnh Tấn Vinh được mời tham dự và trình bày các ý kiến kiến nghị liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Trong công văn 2383 của ngày 2-6 gửi Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cho rằng ông Vinh cố tình phát biểu tại tọa đàm những nội dung thiếu chính xác, chủ quan và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề.
Vì thế, bộ đề nghị Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình trả lời bộ trước ngày 15-6.
Lạm quyền
Luật gia Phạm Văn Chung khẳng định việc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch yêu cầu Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ở đây cụ thể là ông Vinh, giải trình những vấn đề liên quan đến ý kiến của ông tại buổi tọa đàm là không có căn cứ pháp lý.
Theo luật gia Chung, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và công dân VN đang sinh sống, hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực du lịch địa bàn TP Đà Nẵng.
Hiệp hội này hoạt động theo điều lệ được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt. Do đó hiệp hội thuộc quyền quản lý nhà nước của UBND TP Đà Nẵng, nhưng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước về hội theo quy định pháp luật, chứ không thể can thiệp sâu vào cơ cấu tổ chức, hoạt động của hiệp hội này.
“Vì không chịu sự quản lý của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch nên việc bộ này yêu cầu Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xử lý ông Vinh và buộc phải giải trình là trái thẩm quyền” - luật gia Chung nói.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định: “Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, không phải cơ quan cấp trên của hiệp hội. Trong trường hợp này, bộ không lấy tư cách của cơ quan nhà nước để yêu cầu giải trình.
Bộ căn cứ vào pháp lý nào để yêu cầu Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cụ thể là ông Vinh, giải trình. Chỉ yêu cầu giải trình khi vấn đề đó làm phương hại đến uy tín, quyền lợi của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và phải chỉ rõ được sự phương hại đó”.
Một luật sư của Đoàn luật sư Đà Nẵng nói thêm: “Trừ khi hoạt động của hiệp hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính được chứng minh và có kết luận của cơ quan chức năng thì hiệp hội chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn đối với những phát ngôn như của ông Huỳnh Tấn Vinh hoặc những phát ngôn mang tính phản biện khác tại tọa đàm thì dù đúng hay sai Bộ Văn hóa thể thao và du lịch chỉ được hành xử bằng cách tiếp thu hoặc không tiếp thu. Không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính để đòi xử lý hoặc bắt giải trình được”.
Công văn ngày 4-6 của Bộ VH-TT&DL thu hồi lại công văn đòi "xử lý" ông Vinh |
“Nếu có văn bản đòi kiểm điểm ông Vinh thì chúng tôi cũng không biết kiểm điểm cái gì. Vì chúng tôi đâu được mời đi dự tọa đàm, không có chứng kiến sự việc, không biết đúng sai thế nào thì làm sao xử lý cho được" Ông Trịnh Bằng Có (tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) |
Cần chế tài nếu văn bản bị thu hồi
Theo luật gia Phạm Văn Chung, mặc dù đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng theo nguyên tắc chung trong quản lý nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quản lý, điều hành thì chính cơ quan, tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền mới có quyền thu hồi, hủy bỏ văn bản đó.
Mặt khác, thể thức văn bản thu hồi, hủy bỏ văn bản trước đó phải bằng văn bản cùng loại, tức phải bằng công văn thu hồi, hủy bỏ của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch như đã ban hành văn bản 2383/BVHTTDL-TCDL trước đó.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc các cơ quan hành chính nhà nước vội vã ban hành các công văn mang tính chất hành chính, mệnh lệnh để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội là chưa đúng với quy định của pháp luật.
“Vừa qua, việc một cơ quan nhà nước yêu cầu các giáo viên mỗi tháng phải mua bao nhiêu ký thịt heo, tức là đem quan hệ pháp luật hành chính can thiệp vào quan hệ pháp luật dân sự.
Cũng như trường hợp công văn của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã mang quan hệ pháp luật hành chính vào sự kiện để điều chỉnh là trái luật. Rõ ràng trong việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của bộ, đồng thời chất lượng của đội ngũ tham mưu giúp việc chưa cao, thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên trên hết, trách nhiệm của người trực tiếp ký văn bản này là cao nhất” - luật sư Phương Ngọc Dũng (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) nêu quan điểm.
Thực tế hiện nay chưa có một chế tài nào đối với quan chức, cơ quan nhà nước khi ra một văn bản, yêu cầu, quyết định rồi rút lại.
“Đây là kẽ hở cho các quan chức làm sai. Cơ quan hành chính đưa ra văn bản, khi phát hiện sai sót thì rút lại, mà rút lại chẳng khác nào tự hủy hoại uy tín của cơ quan đó. Rút lại là công nhận sai, mà sai thì phải có chế tài thật nặng để hạn chế việc vội vã đưa ra văn bản, rồi rút lại làm hoang mang dư luận và cũng để cẩn trọng, cân nhắc hơn trước khi ra quyết định nào đó” - luật sư Nghiêm đề xuất.
Tác giả: U.TRINH - Q.CƯỜNG - Đ.CƯỜNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ