Đồng chí Hoàng Danh Lai tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở các xã phía Tây huyện

Lợi Trần
Sáng ngày 6/9/2016, đồng chí Hoàng Danh Lai – Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã đi tham quan, kiểm tra các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ở các xã khu vực miền núi phía Tây của huyện. Cùng đi có đồng chí Đặng Ngọc Bình – UVBTVHU, Phó chủ tịch UBND huyện, đ/c Hồ Văn Thanh – HUV, Chánh văn phòng UBND huyện, đ/c Nguyễn Xuân Dinh – HUV, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, đ/c Hồ Ngọc Quang – Giám đốc Đài TT – TH huyện.

Mô hình trồng cam Valenxia của anh Trịnh Văn Quý
ở xóm 4A xã Quỳnh Châu.


Đoàn đã đến thăm mô hình trồng cam Valenxia của anh Trịnh Văn Quý ở xóm 4A xã Quỳnh Châu. Năm 2011, được sự định hướng của ngành nông nghiệp huyện, xã và tìm hiểu qua bạn bè, trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh đã đưa 670 cây giống cam Valenxia có nguồn gốc từ Cu ba về trồng thay thế cây dứa trồng không có hiệu quả.
 

Đ/c Hoàng Danh Lai- PBT, Chủ tịch UBND huyện cùng đoàn tham quan mô hình trồng cam.


Sau 4 năm trồng và chăm sóc, cam đã cho quả bói, đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đầu tiên khoảng 140 triệu đồng. Sau 5 năm, giống cam này mới bắt đầu cho quả đại trà. Dự kiến mỗi cây cho khoảng 3 đến 4 yến quả. Với giá bán tại vườn từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Gia đình anh Quý sẽ có thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng/năm.
 

Lãnh đạo huyện tham quan mô hinh trồng quýt ngọt ở gia đình anh Trần Quang Hải ở xóm Đông Xuân.
 

Anh Trần Quang Hải bên vườn quýt ngọt.


Cùng với cây Cam, cây Quýt cũng đã được đưa về trồng khá nhiều trên vùng đất xã Quỳnh Châu.  Năm 2012, gia đình anh Trần Quang Hải ở xóm Đông Xuân đã đưa về trồng 500 gốc quýt ngọt BQ trên diện tích gần 1ha. Sang năm thứ 3, giống quýt BQ đã cho quả bói với khoảng 20 tấn quả. Giá bán mỗi kg từ 13.000 – 15.000 đồng. Gia đình anh đã có thu nhập hơn 250 triệu đồng. Cũng giống như cam Valenxia, giống quýt ngọt BQ sau 5 năm sẽ cho thu hoạch đồng loạt. Hiện nay, giống quýt BQ đang phát triển rất tốt. Mỗi cây có thể cho khoảng từ 1 đến 1,6 tạ quả/năm. Mô hình này hứa hẹn đem lại cho gia đình anh Hải thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm.
 

Đoàn tham quan mô hình nuôi bò sữa ở xã Quỳnh Thắng.
 


Tiếp đó, đồng chí Hoàng Danh Lai cùng đoàn đã đi thăm các mô hình nuôi bò sữa ở xã Quỳnh Thắng. Hiện nay, xã Quỳnh Thắng có 40 hộ chăn nuôi bò sữa với hơn 300 con. Một con bò sữa có thể cho từ 18 – 20 lít sữa/ngày. Sữa bò Quỳnh Thắng được công ty sữa Vinammilk thu mua. Trong 6 tháng đầu năm, các hộ nuôi bò sữa Quỳnh Thắng đã đạt doanh thu hơn 5,3 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt thu nhập hơn 10 tỷ đồng. Bò sữa Quỳnh Thắng được nuôi đúng quy trình kỹ thuật, xử lý phân bằng Bioga nên đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường. Điều kiện ở địa phương đảm bảo nguồn thức ăn và diện tích chăn nuôi nên dự kiến xã Quỳnh Thắng có thể phát triển tổng đàn lên 800 con.
 

Đoàn lãnh đạo huyện tham quan mô hình chăn nuôi gà Hiline 3 dòng máu của anh Trần Đức Trung ở xóm 6, Tiến Thành, xã Quỳnh Thắng.
 


Mô hình chăn nuôi gà Hiline 3 dòng máu của anh Trần Đức Trung ở xóm 6, Tiến Thành, xã Quỳnh Thắng cũng được đoàn đánh giá rất cao. Anh Trung hiện đang chăn nuôi hơn 2.500 con gà thịt, khoảng 900 con gà đẻ. Quy trình chăn nuôi được thực hiện khép kín, tuyển chọn giống gà, ấp gà con tại chỗ nên tổng đàn của anh phát triển tốt, ít dịch bệnh. Đầu ra ổn định, giá thành cao. Mỗi kg thịt có giá 90.000 đồng. Mỗi lứa gà có thời gian nuôi từ 3 – 4 tháng. Trọng lượng 1 con từ 1kg 8 đến 2,2kg. Mô hình này cũng đem lại cho gia đình anh thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm.
 

Đoàn đến thăm mô hình trồng rừng và chăn nuôi lợn rừng của anh Hồ Khắc Hiệp ở xóm 1, Đồng Tâm, xã Quỳnh Thắng.


Tại xã Quỳnh Thắng, đoàn cũng đã đến thăm mô hình trồng rừng và chăn nuôi lợn rừng của anh Hồ Khắc Hiệp ở xóm 1, Đồng Tâm. Từ năm 2009, anh Hiệp đầu tư gần 200 triệu đồng để mua lợn giống và xây dựng chuồng trại với diện tích 3,5 ha. Trang trại của gia đình anh Hiệp hiện có trên 400 con lợn rừng, trong đó có 27 con lợn sinh sản. Lợn rừng sau 12 tháng nuôi, xuất bán lợn thịt với trọng lượng 20 - 25 kg/con. Thịt lợn hơi hiện bán tại trang trại giá khoảng 140 ngàn đồng/kg.
 

Đàn lợn rừng của ông Hồ Khắc Hiệp.


Bên cạnh chăn nuôi lợn thịt, anh Hiệp cũng tạo nguồn lợn giống bán cho nhiều hộ chăn nuôi có nhu cầu với giá 200 ngàn đồng/kg giống. Lợn giống được anh chăm lớn 7 - 8kg mới xuất bán cho khách để đảm bảo tỷ lệ thành công cao. Nguồn thu từ nuôi lợn rừng mỗi năm đạt gần 500 triệu đồng. Ngoài lợn rừng, anh Hồ Khắc Hiệp còn trồng 30 ha keo bạch đàn, gần 10 ha cây ăn quả các loại. Đến nay giá trị trang trại của anh lên tới hơn 1 tỷ đồng, được xem là mô hình phát triển kinh tế bền vững ở địa phương.
 

Mô hình chăn nuôi hươu nai của anh Hồ Cảnh Thắng ở xã Quỳnh Tân.
 

Mỗi năm gia đình anh Thắng thu được 1 tạ lộc nhung hươu nai.


Tại xã Quỳnh Tân, đoàn đã đến thăm mô hình chăn nuôi Hươu nai của anh Hồ Cảnh Thắng. Với 4 trại chăn nuôi hươu, nai có quy mô lớn, anh Nguyễn Cảnh Thắng trở nên khá giả với mức thu nhập 1 tỷ đồng từ tiền cắt nhung hươu mỗi năm. Hiện nay, trang trại chăn nuôi hươu nai của anh Thắng có diện tích khoảng 7 ha. Tổng đàn có 80 con, trong đó có 60 con nai và 20 con hươu. Trong số 80 con thì có 50 con hươu nai đã cho lấy nhung. Trung bình mỗi con nai cho khoảng 2 – 3 kg lộc/năm, hươu khoảng 5 – 7 lạng nhung/năm. Mỗi năm gia đình anh thu được 1 tạ lộc nhung hươu nai. Năm 2013, anh Thắng mạnh dạn ra các tỉnh phía Bắc để thuê đất và mở thêm 3 trang trại với tổng đàn lên tới 120 con.

Tham quan các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao của bà con các xã miền núi phía Tây huyện Quỳnh Lưu, đồng chí Hoàng Danh Lai – Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ về hoạt động kinh tế của vùng phía tây huyện. Bà con nơi đây đã có sự đầu tư mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm để vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Đồng chí cũng mong rằng, bà con vùng núi phía tây tiếp tục tập trung phát triển diện tích cam, quýt và các loại cây cho thu nhập cao phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng; phát huy thế mạnh của vùng phát triển chăn nuôi các loại con đặc sản; Đồng thời tiếp tục trồng rừng và bảo vệ rừng. Bên cạnh phát triển chăn nuôi cũng cần tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, gắn với trồng cây thức ăn phục vụ chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như thực hiện đúng các quy trình chăn nuôi an toàn thực phẩm./.

Tác giả bài viết: Thanh Nhàn – Bích Thuận – Việt Hùng