Đông Nam Á trở nên nguy hiểm hơn trong mắt khách Tây

Lợi Trần
Những tai nạn và sự cố liên tiếp trong thời gian qua đã khiến Đông Nam Á trở nên kém an toàn hơn trong mắt du khách quốc tế.
 Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh (FCO) từng cảnh báo một thời gian dài về các hoạt động du lịch mạo hiểm diễn ra tại Thái Lan, Lào và Campuchia. Mới đây nhất là tai nạn đáng tiếc của ba du khách Anh khi tham gia trò leo thác mạo hiểm tại thác Datanla, Việt Nam. “Đây là khu vực còn hoang sơ và tồn tại nhiều mối nguy hiểm chết người. Việc lạc ra khỏi trục đường chính sẽ dẫn đến những sự cố không thể lường trước”, Văn phòng Bộ ngoại giao Anh khuyến cáo.
 
Thác Datanla là điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Ảnh: Fotolia/AP.

Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia là 4 quốc gia được rất nhiều du khách trẻ tuổi ưa thích nhờ thời tiết dễ chịu, phong cảnh tuyệt vời và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến các tiêu chuẩn an toàn trong du lịch không được tuân thủ nghiêm ngặt như tại Anh. Cái chết của 3 du khách Anh tuần trước là ví dụ điển hình về việc vi phạm quy định an toàn du lịch, điều đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước Đông Nam Á.

Thi thể của Izzy Squire, 19 tuổi, Beth Anderson, 24 tuổi và Christian Sloan, 25 tuổi, được tìm thấy tại chân thác Datanla. Các ý kiến đều cho rằng 3 du khách đã bước vào khu vực hạn chế và đi tour theo con đường không chính thức thông qua một hướng dẫn viên.

Điều gây tranh cãi nhất hiện nay là tính hợp pháp của tour mà 3 người đăng ký. Ban quản lý thác cho biết hướng dẫn viên đã không thanh toán tiền vé vào cửa của khách hay cho các thiết bị bảo hộ, tuy nhiên khi được tìm thấy, cả 3 đều đang mặc áo phao.

Ở một quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á, Lào đang vấp phải tranh cãi với nhiều trường hợp du khách tử vong khi đang “tubing” – nằm trên phao và thả mình trôi theo dòng nước trên sông Nam Song.

 
Du khách tụ tập chờ đến lượt tubing trên sông Nam Song. Ảnh: Alamy.

Năm 2011 ghi nhận 27 trường hợp du khách thiệt mạng tại Vang Vieng - điểm du lịch nổi tiếng thứ hai sau thủ đô Vientiane. Các tai nạn phần lớn liên quan đến rượu, chất kích thích và hành động lao xuống dòng sông nhiều đá ngầm trong khi “không có biện pháp an toàn, nhân viên giám sát hay mũ bảo hiểm”, một bác sĩ bệnh viện địa phương trả lời Guardian.

Tại Campuchia, căn cứ vào một báo cáo của chính phủ, trường hợp du khách tử vong tăng từ 14 người năm 2012 lên 21 người vào năm 2013, trong đó sự cố liên quan đến người nước ngoài tăng vọt từ 570 lên 705 vụ trong khoảng thời gian tương tự.

Trong khi đó ở Thái Lan, quyền lợi của động vật được quan tâm hơn sau khi một con voi tấn công người quản tượng và lao vào một du khách Anh khiến ông tử vong ngay sau đó. Tuy nhiên, vụ việc tiêu điểm nhất là một du khách nhảy bungee ở Phuket và thiệt mạng do dây buộc cổ chân bị đứt.

Những tai nạn và sự cố liên tiếp trong thời gian qua đã khiến Đông Nam Á ngày càng trở nên kém an toàn hơn trong mắt du khách quốc tế. Năm 2014 ghi nhận lượng khách tử vong ở Thái Lan tăng vọt, biến quốc gia này thành một trong những điểm đến nguy hiểm nhất thế giới.

 
Các du khách trẻ tuổi không ý thức được mức độ an toàn khi tham gia hoạt động tại Thái Lan. Ảnh: Alamy.

Mark Ord, người sáng lập công ty du lịch All Points East cảnh báo: “Nếu bạn muốn tham gia hoạt động mạo hiểm, đừng bao giờ nên chọn những dịch vụ giá rẻ. Bởi câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là tại sao lại có mức giá đó nếu không phải cắt giảm chi phí từ chính những thứ bảo đảm an toàn cho bạn? Do vậy, đừng bao giờ đặt mạng sống của mình vào nguy hiểm vì sự lựa chọn sai lầm”.

Tác giả bài viết: Hải Thu