Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua TP. Hải Phòng: Vật vã với tiến độ thi công

Admin
Có quy mô đầu tư không lớn, giải pháp thi công đơn giản, nhưng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, giai đoạn I đã phải kéo dài tới 13 năm, nếu tính cả thời gian chuẩn bị đầu tư.

 Một đoạn Quốc lộ 37 trên địa bàn TP. Hải Phòng đang được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: A.M

Tiến độ kéo dài

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hải Phòng vừa có Công văn số 266/SGTVT-QLCT báo cáo Bộ GTVT thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, giai đoạn I.

Đây là công trình sử dụng vốn ngân sách Trung ương được Bộ GTVT giao Sở GTVT Hải Phòng thực hiện chức năng chủ đầu tư.

Trong công văn dài chưa đầy 2 trang A4, đại diện Sở GTVT Hải Phòng cho biết đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong đó có việc ký Phụ lục hợp đồng số 04.03/2022/HĐXD-QL37 ngày 6/1/2023, điều chỉnh giảm giá hợp đồng Gói thầu số 04 - Xây dựng tuyến đường với giá trị điều chỉnh giảm 2,963 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm đầu tháng 2/2023, do Dự án chưa phát sinh các công việc cụ thể về tư vấn khác và chi phí thực hiện các công việc khác, nên Sở GTVT Hải Phòng chưa phê duyệt nhiệm vụ, dự toán thuộc khoản mục chi phí thực hiện các công việc trên theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Công văn số 266/SGTVT-QLCT do ông Phan Viết Diện, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng ký nêu, đơn vị này đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc tiếp thu, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác thẩm định của chủ đầu tư và chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng, thi công xây dựng theo các nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có Thông báo số 1166/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, giai đoạn I với thời hạn kiểm toán từ ngày 24/8/2022 đến ngày 6/10/2022.

Bộ GTVT đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án nhằm sớm hoàn thành, tạo điều kiện kết nối thuận lợi TP. Hải Phòng với với các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên...; tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn nối TP. Hải Phòng, Nam Định với cảng Hải Phòng và giữa cảng Diêm Điền (Thái Bình) với cảng Hải Phòng, đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa.

Được biết, Dự án được khởi động từ năm 2010, đến thời điểm này, đã 3 lần phải thực hiện điều chỉnh. Trong lần điều chỉnh gần nhất (ngày 20/10/2022), Bộ GTVT đã tiến hành bổ sung đoạn Km7+400 - Km9+593,42 và đoạn Km21+220 - Km22+657,21 để thực hiện đầu tư trong giai đoạn I của Dự án; đồng thời kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2023.

Theo Quyết định số 834/QĐ- BGTVT ngày 30/3/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư của Bộ GTVT, Dự án có mục tiêu xây dựng đoạn tuyến từ Km9+593 - Km21+220, chiều dài 11,63 km. Trong giai đoạn II, Dự án sẽ xây dựng đoạn tuyến Km7+400 - Km9+593 và Km21+220 - Km22+657, dài 3,63 km.

Mặc dù bổ sung 2 đoạn, dự kiến thực hiện trong giai đoạn II, nhưng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, giai đoạn I vẫn giữ nguyên tổng mức đầu tư là 628,444 tỷ đồng, với nguồn vốn được huy động trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Trong Quyết định số 834/QĐ- BGTVT, Bộ GTVT đặt khá nhiều kỳ vọng vào Dự án nhằm sớm hoàn thành, tạo điều kiện kết nối thuận lợi TP. Hải Phòng với với các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên...; tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn nối TP. Hải Phòng, Nam Định với cảng Hải Phòng và giữa cảng Diêm Điền với cảng Hải Phòng, đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa.

Công trình này còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Bảo nói riêng và TP. Hải Phòng nói chung, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực; tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh, sẵn sàng trong ứng phó trong điều kiện xảy ra bão lũ.

Mặc dù được đánh giá là cấp thiết, nhưng theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, tiến độ là hạn chế lớn nhất trong quá trình điều hành triển khai Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng của Sở GTVT Hải Phòng và đơn vị quản lý dự án.

Tính đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2022), tiến độ thực hiện Dự án đã chậm so với Quyết định đầu tư số 2868/QĐ-BGTVT ngày 1/10/2017 với thời gian thực hiện là 2017-2020. Như vậy, ngay cả khi công trình này hoàn thành vào tháng 8/2023, thì cũng chậm gần 3 năm so với tiến độ phê duyệt ban đầu.

Quản lý chưa chuyên nghiệp

Cần phải nói thêm, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, giai đoạn I cũng có số phận khá long đong.

Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, Dự án có thời gian triển khai bước chuẩn bị đầu tư kéo dài nhiều năm, bắt đầu từ năm 2010, nhưng đến năm 2017 mới được phê duyệt dự án và đến năm 2021 mới lựa chọn được được nhà thầu và tổ chức thi công.

Trong 13 năm triển khai, Dự án chỉ được ghi vốn trong 7 năm, với số lần ghi vốn khá lắt nhắt (năm 2010 bố trí 200 triệu đồng; năm 2011 bố trí 100 triệu đồng; năm 2015 bố trí 1 tỷ đồng; năm 2017 bố trí 550 triệu đồng).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc bố trí kế hoạch vốn kéo dài 7 năm là vượt quy định cho phép, bởi với dự án nhóm B như dự án này, chỉ được bố trí tối đa 5 năm theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Điều này dẫn đến việc Bộ GTVT phải điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025.

Nếu như việc bố trí vốn dài trải thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, thì bản thân Sở GTVT Hải Phòng và đơn vị quản lý dự án cũng phải chịu trách nhiệm đối với một số sai sót, hạn chế trong quá trình triển khai công trình.

Tại Thông báo số 1166/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Bản vẽ thiết kế thi công tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, giai đoạn I được xác nhận đóng dấu đã thẩm định thiết kế, song còn một số dấu thẩm định bản vẽ thiết kế chưa đầy đủ các nội dung ngày tháng, số văn bản thẩm định theo quy định tại khoản 6, Điều 38, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán còn thiếu nội dung thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình theo quy định tại Điều 15 và Mẫu số 05 ban hành kèm theo khoản 5, Điều 35, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, việc lập, thẩm định phê duyệt dự toán một số chi phí thực hiện công việc tư vấn khác trị giá 470 triệu đồng không có cơ sở tính toán và nội dung công việc; chi phí thực hiện công việc khác trị giá 1 tỷ đồng không có nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định tại Điều 8, 9, Thông tư 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Việc ký kết Hợp đồng thi công, theo Kiểm toán Nhà nước, còn thiếu điều khoản theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, như không thỏa thuận về giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, số lần thanh toán theo quy định tại khoản 2, Điều 19; không thể hiện các mốc hoàn thành, bàn giao các công việc, sản phẩm chủ yếu theo quy định tại khoản 3, 5, Điều 14.

Tại Gói thầu số 04 - Xây dựng tuyến đường, chủ đầu tư còn tính trùng, tính thừa một số khối lượng so với bản vẽ thiết kế. Tại Thông báo số 1166/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm trừ giá trị hợp đồng 2 tỷ đồng.

Một chi tiết thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của chủ đầu tư và đơn vị thi công tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, giai đoạn I là nhật ký thi công công trình ghi chép còn chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 13, Điều 13, Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, như diễn biến điều kiện thi công (nhiệt độ, thời tiết và các thông tin liên quan), số lượng nhân công, thiết bị do nhà thầu thi công xây dựng huy động để thực hiện thi công tại hiện trường.

Theo phát hiện của Kiểm toán Nhà nước, chủ đầu tư chưa có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn gửi Kho bạc Nhà nước và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư theo quy định khoản 6, Điều 10, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, chủ đầu tư đã tạm ứng 134,5 tỷ đồng/293.941 tỷ đồng, nhưng mới thu hồi tạm ứng được 14 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót của chủ đầu tư trong việc lập dự án, lập thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập thẩm định phê duyệt hồ sơ mời thầu, ký kết hợp đồng xây dựng thiếu nội dung quy định; công tác quản lý chất lượng công trình còn thiếu sót về an toàn lao động, quản lý tiến độ thi công còn chậm so với cam kết hợp đồng, chưa có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn.

“Đề nghị Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo thông báo này và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành II (địa chỉ tại 116 - Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội) trước ngày 31/3/2023”, đại diện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Tác giả: Bảo Như

Nguồn tin: Báo Đầu tư