Dự án FLC ở Lý Sơn: Dân vừa mừng vừa lo!

Admin
Tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất loại một số địa điểm quan trọng như Gành Yến ra khỏi dự án, vị trí nào cần bảo tồn sẽ có kế hoạch bảo tồn.

Liên tục trong thời gian gần đây, dư luận cả nước hết sức quan tâm đến dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn do Tập đoàn FLC triển khai ở Quảng Ngãi. Để hỗ trợ nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn ra hàng loạt công văn khẩn, đề nghị di dời đồn biên phòng, ứng trước kinh phí 500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng giúp nhà đầu tư triển khai dự án...

Phải quan tâm đời sống người dân

Sáng 26-4, chúng tôi có mặt tại thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - một trong những nơi dự án triển khai. Kể từ khi thông tin Tập đoàn FLC triển khai dự án, thôn An Cường "nóng" lên từng ngày. Ông Vũ Thanh Minh, ngụ thôn An Cường, cho biết nhiều gia đình ở đây đều đồng tình khi có một nhà đầu tư lớn đến khảo sát, đầu tư để quê hương phát triển. "Người dân mong muốn nhà nước cùng chủ đầu tư khi triển khai dự án phải xây dựng các khu tái định cư, nơi ở mới ít nhất bằng hoặc hơn chỗ ở cũ và giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm cuộc sống" - ông Minh nói.

 Bờ biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) - nơi triển khai dự án

Ông Võ Bá Nha, ngụ xã Bình Châu, cho biết từ khi thông tin về Tập đoàn FLC triển khai dự án ở Bình Châu, ông vừa mừng vừa lo. "Mừng là có thể giúp quê hương phát triển. Còn lo là nếu không quan tâm đến dân thì người dân chẳng biết sống ra sao" - ông Nha nói.

Ông Bùi Trạng, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết theo đề xuất quy hoạch của chủ đầu tư, toàn xã Bình Hải có khoảng 450 ha nằm trong vùng dự án. Qua khảo sát, có khoảng 700 hộ dân phải di dời, tái định cư nơi ở mới, trong đó có 70% dân làm nghề biển và 30% còn lại sống nghề nông. "Chính quyền xã Bình Hải đồng tình với chủ trương đầu tư dự án. Bởi có như vậy, địa phương mới có cơ hội phát triển, đời sống người dân được cải thiện hơn" - ông Trạng nói.

Bảo đảm quyền lợi người dân

Trước thông tin dư luận và người dân băn khoăn về dự án, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi (người phát ngôn), cho biết xuất phát từ tiềm năng phát triển du lịch ở Quảng Ngãi nên sau khi UBND kêu gọi đầu tư, Tập đoàn FLC mới triển khai dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn. "Đây là dự án lớn, vì vậy lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp, các ngành rất quyết tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai dự án. Bởi vậy mới có việc UBND tỉnh liên tục ra công văn chỉ đạo như thế... UBND tỉnh cũng làm việc thống nhất với nhà đầu tư, luôn ưu tiên quyền, lợi ích hợp pháp của người dân lên hàng đầu, bảo đảm người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tỉnh cũng sẽ khởi công khi dự án bảo đảm các điều kiện, thủ tục pháp lý của nhà nước" - ông Việt nói.

Về đề nghị di dời Đồn Biên phòng Bình Hải phục vụ dự án, ông Việt cho biết mọi việc chỉ dừng lại ở thông báo tạm dừng các thủ tục xây dựng công trình để lấy ý kiến các cơ quan tham mưu. Khi nào nhà đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, UBND tỉnh sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng điều chỉnh, nếu Bộ Quốc phòng đồng ý, tỉnh mới thực hiện điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Đỗ Ngọc Nam, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vị trí Đồn Biên phòng Bình Hải đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị di chuyển cách đây 2 năm, không phải đến khi có dự án mới đề nghị di dời. "Lý do di chuyển, đồn biên phòng hiện tại quá gần biển, diện tích quá hẹp, lại thiếu nước sinh hoạt khiến đời sống cán bộ chiến sĩ vất vả. Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng cũng nhất trí việc di chuyển và đã đi khảo sát, đồng thời thống nhất vị trí di chuyển cách đó khoảng 2 km, phù hợp với khu vực phòng thủ. Tuy nhiên, vì chưa có ngân sách nên chưa xây dựng vị trí đồn mới. Đến khi có Tập đoàn FLC họ vào đề nghị di dời nên chúng tôi thống nhất. Quan điểm của chúng tôi ủng hộ phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng phải phù hợp với khu vực phòng thủ" - ông Nam nói.

Đối với ý kiến khi triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến đề án xây dựng khu vực Lý Sơn - Bình Châu thành công viên địa chất toàn cầu, ông Nguyễn Quốc Việt nói Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất loại một số địa điểm quan trọng như Gành Yến ra khỏi dự án. "Tỉnh cũng sẽ làm việc lại với Viện Khoa học địa chất Việt Nam xác định vị trí nào cần bảo tồn sẽ yêu cầu nhà đầu tư để có kế hoạch bảo tồn cụ thể, nơi nào không nằm trong phạm vi bảo tồn sẽ đầu tư phát triển, góp phần tôn tạo các di sản" - ông Việt cho biết.