Chọn đất “vàng” làm dự án
Theo quyết định số 808/QĐ-UB ngày 18/8/ 1994 của UBND thành phố Hải Phòng về việc Trường PTTH Năng khiếu Trần Phú được chính thức quản lý sử dụng 10.014m2 tại số 12 đường Trần Phú, phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền làm trường học. Mặc dù trường Trần Phú liên tục được đầu tư xây dựng cơ bản năm 1996 – 2011 so với nhiều trường học khác, cơ sở vật chất của trường Trần Phú còn khá tốt nhưng trường vẫn phải di chuyển đi chỗ khác để nhường chỗ cho dự án xây khách sạn 5 sao.
Thực chất ngôi trường Trần Phú đã được gắn liền với con người nơi đây từ những đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, dấu ấn của nó vẫn là ngôi nhà Pháp cổ. Bản thân các thầy cô giáo nhà trường đã có mấy đời cùng nhau sinh sống (ông bà, con cháu).
Ngôi nhà của giáo viên được xây dựng từ năm 1987 đã bị cưỡng chế. |
Cũng theo báo cáo của UBND phường Lương Khánh Thiện ngày 14/04/2017 khẳng định về việc kiểm tra rà soát nguồn gốc sử dụng đất các hộ dân tại ngõ 56 Trần Phú và số nhà 5 và 5B Trần Bình Trọng phường Lương Khánh Thiện thì nguồn gốc sử dụng đất của trường cấp 3 Trần Phú cũ bố trí cho các bộ giáo viên của trường ở từ khoảng những năm 1972 đến nay. Đối tượng sử dụng đất là các giáo viên của trường cấp 3 Trần Phú. Có thể nói khu tập thể này đã hình thành trước khi có quyết định của UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt cho Trường Phổ thông trung học Năng khiếu Trần Phú được chính thức quản lý sử dụng.
Đây là khu “đất vàng” nên UBND thành phố Hải Phòng đã lựa chọn lô đất này để làm khách sạn 5 sao góp phần xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại du lịch và dịch vụ. Theo phương án quy hoạch của ủy ban thành phố phê duyệt tại quyết định số 224/QĐ-UBTP ngày 11/11/2013 thì khu đất trên được quy hoạch là đất dịch vụ thương mại nên việc đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao theo đề xuất của nhà đầu tư là phù hợp.
Như vậy việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án khách sạn 5 sao tại ô đất số 12 đường Trần phú quận Ngô Quyền phải thực hiện theo hình thức đấu giá quyền sử dựng đất gắn liền với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên sự thật là mảnh đất “vàng” đó đã được UBND TP Hải Phòng giao cho doanh nghiệp dưới hình thức “chỉ định thầu”.
Để lấy được mảnh đất “vàng” trị giá hàng nghìn tỷ đồng, DNTN Nhật Hạ chỉ cam kết nộp ngân sách trên 6 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản chi phí thuê đất hàng năm và một số loại chi phí hết sức nhẹ nhàng).
Được biết, số tiền này không thấm vào đâu so với các khoản chi phí tiền ngân sách để thực hiện dự án này, tính riêng đập bỏ 1 ngôi trường còn tốt đã là vô cùng lãng phí tài sản của xã hội. Nay chuyển trường Trần Phú sang địa điểm khác ngân sách thành phố đã phải đầu tư xây dựng mới toàn bộ cơ sở vật chất của trường học lên tới 240 tỷ đồng, thành phố cũng mất đi một quỹ đất khoảng 40.000.000m2 có giá trị không hề nhỏ để xây dựng trường.
Đã vậy thông qua việc bổ sung dự án xây dựng khách sạn 5 sao vào danh mục dự án chính trang đô thị nghiễm nhiên biến dự án đầu tư của một DNTN thành dự án công ích. Nhờ đó, Công ty TNHH Nhật Hạ không phải tự đàm phán với 22 hộ dân trong vùng dự án để giải phóng mặt bằng, cũng không phải bỏ tiền chi phí GPMB càng làm cho mối nghi ngờ đẩy lên cao.
Thêm vào đó, UBND thành phố Hải Phòng sử dụng khoản ngân sách gần 30 tỷ đồng chi cho dự án chỉnh trang đô thị để trực tiếp thu hồi nhà đất của các hộ dân giao cho doanh nghiệp. Mà dự án khách sạn 5 sao này là dự án xây mới để kinh doanh chứ không phải “chỉnh trang đô thị” vì lợi ích quốc gia, công cộng “cải tạo, nâng cấp”. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp Nhật Hạ nên có sự thỏa thuận với người dân mà nhất là những người đó đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nền giáo dục.
Cố tình cưỡng chế
Không dừng lại đó, các hộ dân ở đây đã có buổi làm việc với thanh tra Chính phủ và đều được kết luận đất ở của người dân là hợp pháp, đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Trong khi chờ tổ chức cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền Hải Phòng do thanh tra Chính phủ chủ trì, thì sáng ngày 24/4/2018 UBND quận Ngô Quyền đã thực hiện cưỡng chế.
Theo bà Trần Kim Hường – giáo viên trường Trần Phú rất bức xúc khi trao đổi với phóng viên: Những người thi hành cưỡng chế đã vi phạm nghiêm trọng quyền giám sát hiến định của người dân (người dân có quyền được giám sát lực lưỡng cưỡng chế trong suốt quá trình nhằm đảm bảo sự minh bạch về kê khai tài sản và không để xảy ra bất kì mất mát thiệt hại về tài sản).
“Tuy nhiên lực lưỡng cưỡng chế đã cố tình gây khó khăn cho chúng tôi về vấn đề này bằng việc không cho chúng tôi giám sát quá trình tháo dỡ, di chuyển tài sản, từ chối các hộ dân ký nhận biên bản kiểm kê tài sản và không thông báo nơi lưu giữ tài sản cưỡng chế. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ mọi vấn đề”, bà Hường nói.