Dự án tuyến đường bộ ven biển tại khu vực qua địa bàn huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ảnh Cổng thông tin điện tử Hải Phòng. |
Theo thiết kế, tuyến đường bộ ven có tổng chiều dài gần 30 km, trong đó, đoạn qua Hải Phòng hơn 20 km, Thái Bình gần 9 km. Tuyến đường bộ có quy mô tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với chiều rộng 12 mét, hai làn xe cơ giới 7 mét. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 3.700 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), có thời gian thu phí hoàn trả dự kiến là 25 năm 6 tháng.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng cho biết: Tháng 6.2018, Hải Phòng ký hợp đồng BOT với Công ty Cổ phần đầu tư đường ven biển Hải Phòng để xây dựng tuyến đường bộ ven biển. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn 720 tỉ đồng là vốn trái phiếu Chính phủ, dùng để giải phòng mặt bằng. Số vốn còn lại là vốn của nhà đầu tư và vốn vay. Theo hợp đồng BOT, dự án sẽ hoàn thành sau 30 tháng kể từ khi ký hợp đồng.
Tuy nhiên, đến nay, theo ghi nhận của Ban quản lý Dự án (đơn vị đại diện cho UBND TP Hải Phòng quản lý dự án) báo cáo, vẫn còn gần trăm hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa bàn giao đất. “Đến nay, nhà đầu tư mới bố trí hơn 400 tỉ đồng vốn chủ sở hữu cho công trình, mới giải ngân được hơn 393 tỉ đồng trong số vốn này” – ông Tuấn Anh cho biết.
Trong đó, giá trị xây lắp được khoảng 700 tỉ đồng, chủ yếu là hạng mục xây cầu vượt sông Văn Úc. Còn lại, các hạng mục xây dựng còn hết sức khiêm tốn.
Được biết, đơn vị hợp đồng xây dựng tuyến đường ven biển là liên danh gồm Tổng công ty Xây dựng Số 1- CTCP; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ; Tổng Công ty IDICO – CTCP và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng giao thông 9. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Tổng công ty Xây dựng số 1 là bỏ vốn đầu tư chủ yếu cho dự án.
Trả lời về nguyên nhân chậm tiến độ dự án, ông Đỗ Tuấn Anh cho biết: Hiện tại, nhà đầu tư vẫn đang đàm phán với tổ chức tín dụng vay 1.500 tỉ đồng thực hiện dự án. “Lúc ký hợp đồng thực hiện dự án với TP.Hải Phòng, đơn vị liên danh cho biết phía ngân hàng đã có cam kết hỗ trợ tiền vốn vay để thực hiện, nhưng đến nay, tổ chức tín dụng này vẫn chưa quyết định bố trí vốn cho nhà đầu tư” – ông Tuấn Anh nói.
Theo tính toán của Ban quản lý Dự án, để vận hành, đưa dự án vào khai thác, nhà đầu tư cần phải đầu tư tối thiều khoảng 2.400 tỉ đồng, trong đó nhà đầu tư đề xuất, ngoài vốn tự có hơn 400 tỉ đồng, khoảng 1.500 tỉ đồng đang thu xếp vay với ngân hàng, nhà đầu tư cũng thực hiện phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý các dự án công trình giao thông Hải Phòng cũng thừa nhận: Các phương án huy động vốn cho dự án vẫn chỉ là phương án, vẫn chưa có hợp đồng cụ thể của tổ chức tín dụng, nên dự án vẫn phải làm cầm chừng để đợi vốn vay.
Trong buổi kiểm tra thực tế tại dự án này hôm 19.3, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã đề nghị chủ đầu tư tiếp tục bám sát tiến độ công việc, từ nay đến ngày 15.4 cần huy động nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2022; đồng thời giao cho UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu, lập dự án cầu Văn Úc 2. TP.Hải Phòng cũng quyết định đầu tư hơn 980 tỉ đồng để mở rộng mặt đường tuyến đường thuộc dự án này đoạn qua TP.Hải Phòng từ 12 mét lên 24 mét.
Tác giả: HOÀNG HOAN
Nguồn tin: Báo Lao động