Đưa Pù Luông trở thành trung tâm du lịch sinh thái chuyên nghiệp

Admin
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng...

 Núi rừng Pù Luông, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới cùng bầu không khí dễ chịu, mát mẻ như Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông thời gian gần đây là một trong những điểm du lịch Tây Bắc thu hút đông giới trẻ.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 130km, cách Hà Nội khoảng 190km, thuộc địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa (Thanh Hóa).

Được thành lập vào năm 1999, diện tích 17.662ha, trong đó có khoảng 13.300ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.300ha phân khu phục hồi sinh thái, đây là Khu Bảo tồn Thiên nhiên có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại, trong đó có hàng trăm loài động, thực vật được ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc, hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Du lịch Sinh thái, Nghỉ dưỡng, Giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đề án thực hiện trên diện tích gần 17.000ha thuộc phạm vi quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và kết nối tới các xã vùng đệm của hai huyện Bá Thước, Quan Hóa.

Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông sẽ đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng; đến năm 2030, đạt 27.000 lượt khách, doanh thu khoảng 33 tỷ đồng; vào năm 2045, đạt 50.000 lượt khách du lịch, tổng thu khoảng 85 tỷ đồng.

 Trong ảnh: Một khu dân cư huyện Bá Thước làm phát triển du lịch. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Bên cạnh đó, Thanh Hóa mong muốn sẽ thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; xây dựng khu hành chính tại thôn Pà Ban (xã Thành Sơn, huyện Thước); phát triển các điểm tham quan, du lịch tại thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già, quần thể Thông Pà Cò, Khu Du lịch Cao Sơn, Khu nghỉ dưỡng Sinh thái Pù Luông...

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ kêu gọi được nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu trung tâm hành chính của huyện Bá Thước, Quan Hóa tới đỉnh núi Pù Luông và kết nối với Khu Du lịch Cao Sơn (thôn Son-Bá-Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước).

Phấn đấu đến năm 2045, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa.

Cũng theo quyết định này, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông được tổ chức khai thác và quản lý du lịch theo 3 phương thức: Tự tổ chức; liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý có trách nhiệm yêu cầu các hoạt động đầu tư xây dựng và du lịch trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông phải chấp hành, tuân thủ theo quy định của phát luật về lâm nghiệp, đất đai, quy hoạch, xây dựng, đầu tư...

Mấy năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Pù Luông bắt đầu phát triển, nhiều homestay được xây dựng và đưa vào vận hành đã mang lại một diện mạo mới cho du lịch nơi đây. Dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lượng khách nhưng các homestay vẫn luôn sẵn sàng đón nhận khách trở lại.

Việc thực hiện hiệu quả đề án sẽ góp phần tăng nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương, tạo công việc, chuyển dịch lao động cho cộng đồng dân cư vùng đệm khu bảo tồn, tăng nguồn thu cho địa phương từ các hoạt động dịch vụ. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ dành khoảng 182 tỷ đồng để thực hiện đề án này.

 Du khách quốc tế thích thú bởi cảnh sắc nguyên sơ kỳ thú, khí hậu trong lành, văn hóa bản địa giàu bản sắc, con người thân thiện. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái.

Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa.

Pù Luông bao gồm các phần đất thuộc 5 xã huyện Quan Hoá: Phú Lệ, Phú Xuân, Thanh Xuân, Hồi Xuân, Phú Nghiêm, và 5 xã huyện Bá Thước: Thành Sơn, Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao và xã Ban Công.

Rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát)... có tổng số 84 loài thú (gồm cả 24 loài dơi), 162 loài chim, 55 loài cá, 28 loài bò sát và 13 loài ếch nhái.

Khu hệ côn trùng tại Pù Luông có ít nhất là 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn, trong đó có 12 loài thân mềm có thể là đặc hữu cho khu vực.

Khu bảo tồn này là nơi cư trú của báo gấm, beo lửa, hươu sao, sơn dương, voọc quần đùi trắng...

Hệ thống đá Karst của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động đẹp (hang Dơi Kho Mường).

Với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ của Pù Luông, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh, Pù Luông đã và đang trở thành một điểm đến thu hút khách trong nước và quốc tế./.

Nguồn tin: vietnamplus.vn