Giáo dục

Đừng biến trường học thành “cái chợ bán chữ”!

Nhân cách của một nhà giáo không thể bị đánh đổi bằng tiền, dù với bất cứ giá nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào!

Nếu ai đã một lần đọc tác phẩm "Sống Mòn" của Nhà văn Nam Cao, hẳn sẽ cảm nhận được tấn bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũ trước Cách mạng 1945.

Có những nhà giáo ý thức về giá trị đạo đức, sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, mong muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý.

Thế nhưng họ bị gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền đè nặng trong một xã hội ngột ngạt không lối thoát, rồi phải sống như một kẻ vô ích, dần bị thui chột.

Những nhà giáo đương thời ngày nay dù còn chịu nhiều vất vả, nhưng họ không còn phải sống mòn như trong chế độ cũ, vì rằng giáo dục trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, của mọi gia đình.

Trong đời sống hiện đại có nhiều thuận lợi, ấy vậy mà vẫn còn nhiều thầy cô giáo lợi dụng vị trí của mình để ép con trẻ phải học thêm.

Học ở trường.

Học cả ở lớp riêng của thầy, cô.

Họ biến nhà trường thành cái chợ bán chữ.

Tự hủy hoại nhân cách làm thầy của mình, làm méo mó hình ảnh tốt đẹp của nhà giáo trong mắt mọi người.

Những đứa trẻ ngây thơ đang tuổi ăn, tuổi chơi có lẽ chẳng hề hay biết gì về điều đó.

Chúng quay cuồng với những bài toán, bài văn... mà nếu không học đến mòn cả người ở những lớp học thêm ấy, chúng có thể phải nhận điểm kém từ các bài kiểm tra.

Nhưng rồi tới một ngày nào đó, chúng lớn lên và chợt nhận ra rằng, một số người thầy, người cô mà chúng vẫn kính trọng năm xưa thực ra thật tầm thường?!

Vậy là những suy nghĩ tốt đẹp về người giáo viên ít nhiều cũng bị sứt mẻ.

Đạo lý bị đảo lộn, đó mới thực sự là điều đáng lo cho xã hội, đáng lo cho tương lai của đất nước.

Nhiều Đại biểu Quốc hội lo lắng, học thêm triền miên khiến con trẻ bây giờ không còn tuổi thơ. ảnh: Phương Linh.

Nhiều người cho rằng, học thêm, dạy thêm biến tướng xuất phát từ thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư 17 nói rằng: “Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường;

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm;

Trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ của giáo viên theo quy định; hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm”.

Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng phải thừa nhận thẳng thắn rằng, cho đến nay vẫn luôn tiềm ẩn những hiện tượng dạy thêm, học thêm biến tướng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã nhận lỗi vì chưa thật sát sao, và cam kết là sẽ làm việc với các địa phương để tăng cường giám sát.

Nhưng bản thân Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể đi đến từng thầy, cô, mà đề nghị với các địa phương cùng phối hợp chấn chỉnh những hoạt động dạy thêm, học thêm biến tướng.

Ông cho biết, giải pháp này chưa phải là gốc, giải pháp gốc là vẫn phải chỉnh lại chương trình làm sao cho gọn nhẹ; lược bỏ những nội dung không nhất thiết, không phù hợp với chương trình và những nội dung trùng lặp để làm sao chương trình nhẹ hơn.

Thế nhưng các Đại biểu Quốc hội thì vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng, bởi vì từ nay tới lúc có chương trình – sách giáo khoa mới ít nhất cũng phải thêm 2 năm nữa.

Vậy thì khoảng thời gian này, liệu học sinh và phụ huynh có bị hành hạ, bị đánh vật với các lớp học thêm không?

Và ngay cả khi đổi mới chương trình – sách giáo khoa, cũng chẳng có gì đảm bảo những hoạt động dạy thêm biến tướng sẽ không còn. Thì đã có tới 4 lần đổi mới rồi đấy thôi mà dạy thêm vẫn cứ nghiễm nhiên tồn tại, mà ranh giới giữa học thật và bị ép học lại rất mong manh.

Như Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đã nêu thẳng ra rằng: Có những địa phương cấm dạy thêm, học thêm chuyển sang có đề nghị có sự tự nguyện của phụ huynh, phụ huynh bảo ai chả phải tự nguyện, hàng năm phụ huynh học sinh luôn luôn ký đề nghị với trung tâm ma để rồi được học chính lớp, trường của mình.

Ông Cương đã nêu ra một thực trạng đau lòng là trong đời sống hiện đại bây giờ, nhiều đứa trẻ không có tuổi thơ, vì học thêm nhiều quá.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa - TP Hà Nội cũng nêu ra thực trạng: “Tình trạng dạy thêm của một bộ phận giáo viên xuất phát từ động cơ vụ lợi bằng cách này hay cách khác, bắt ép học sinh học thêm để gây bức xúc đối với xã hội, nhất bậc tiểu học.

Một số nơi dạy thêm còn phát triển tràn lan do quản lý còn lỏng lẻo dẫn đến chất lượng không đảm bảo”.

Còn Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP Hồ Chí Minh thì nói rằng, không được quyền cấm quyền học và được dạy của giáo viên và học sinh một cách chính đáng, nhưng phải cấm với những trường hợp lợi dụng việc dạy thêm, học thêm để bắt ép học sinh học gây bức xúc xã hội.

Ví dụ, việc có một số giáo viên không dạy hết nội dung chương trình chính khóa tại lớp học, đem nội dung đó về nhà để dạy thêm hoặc là trường hợp trong thời gian kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng v.v... thì lại kiểm tra chính nội dung dạy thêm mới có chứ học chính khóa không có.

Vấn đề này phụ huynh và học sinh phản ánh rất nhiều trong thực tiễn, vậy tại sao chúng ta lại không cấm chuyện đó?

Khi bàn về học thêm, dạy thêm, cũng có quan điểm rằng, học thêm là nhu cầu chính đáng, dạy thêm là chính đáng; bởi có những học sinh tiếp thu chậm cần được bồi dưỡng thêm, và cũng có những phụ huynh thì luôn muốn con có điểm số cao, lo con chơi nhiều hơn học nên đưa con vào lớp học thêm.

Thế nhưng số phụ huynh thực sự muốn con đến lớp học thêm không lớn, khi mà nhiều người nhận ra rằng hầu hết kiến thức “học thuộc lòng” để trả bài cho cô giáo, để nhận về những điểm số đẹp rốt cuộc cũng chẳng giải quyết được gì.

Nhưng họ vẫn phải chấp nhận vì e sợ con mình sẽ bị đối xử bất công so với phần còn lại đang học thêm.

Sự hoài nghi về cách ứng xử của người giáo viên đã được đặt ra, như người xưa đã nói: “Không có lửa làm sao có khói”.

Điều đó khiến cho những ai thực sự tâm huyết với giáo dục, với tương lai của thế hệ trẻ cảm thấy nhói lòng, bởi vì trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, chưa khi nào tư cách của người giáo viên lại bị đặt những dấu hỏi hoài nghi như bây giờ.

Vấn đề đặt ra là làm sao để phát hiện được học thêm bị biến tướng?

Căn cứ vào tiêu chí nào?

Mức độ xử lý ra sao?

Nếu phát hiện sai phạm có đình chỉ dạy, thậm chí đuổi việc vĩnh viễn với giáo viên đó không?

Đó là những việc mà Bộ Giáo dục và các địa phương hẳn sẽ phải tính đến để ngăn chặn triệt để các hành vi o ép con trẻ, biến nhà trường thành nơi làm trò “cưa đứt đục suốt”.

Nhưng nếu chỉ là những biện pháp hành chính e rằng cũng chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Cái mà một số giáo viên cần bây giờ chính là phải được bồi dưỡng rèn luyện nhân cách cho tốt hơn, để loại bỏ hoàn toàn cái tư tưởng kiếm tiền bằng mọi giá.

Giống như cách mà Nhà văn Nam Cao lựa chọn cho cái kết trong tác phẩm "Sống mòn", khi ông đưa người trí thức tránh xa vòng quay mịt mù nơi đô thị, nhưng vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Nhân cách của một nhà giáo không thể bị đánh đổi bằng tiền, dù với bất cứ giá nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào!

Tác giả bài viết: Diệu Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP