Đừng nhầm lẫn “dịch vụ giáo dục” với “giáo dục là dịch vụ”

Admin
Trong lần sửa đổi Luật Giáo dục lần này, vấn đề sử dụng thuật ngữ “dịch vụ giáo dục/đào tạo” được đưa ra bàn thảo và đã có một số ý kiến khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sẽ trình bày một số kinh nghiệm quốc tế cũng như những lưu ý khi việc sử dụng thuật ngữ này trong luật giáo dục và đưa ra một số đề xuất để ban soạn thảo xem xét.

Nguồn gốc thuật ngữ “dịch vụ giáo dục”

Thuật ngữ “dịch vụ giáo dục”, "dịch vụ đào tạo" (sau đây gọi là "dịch vụ giáo dục) dường như mới được sử dụng trong các văn bản pháp quy ở Việt Nam một vài năm gần đây. Tôi không tìm thấy cụm từ này được sử dụng trong Luật Giáo dục, và Luật Giáo dục Đại học hiện hành. Theo một bài viết mới đây của tác giả Phạm Hiệp, cụm “dịch vụ đào tạo” được sử dụng trong nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập.

Trước đó, cụm từ này đã được sử dụng một lần trong Luật giá (1) năm 2012 ở điểm 3 điều 19. Luật này có định nghĩa khái niệm “dịch vụ” ở Điều 4. Tuy nhiên, cả hai văn bản trên đều không cung cấp định nghĩa tường minh cho thuật ngữ “dịch vụ giáo dục.Tại Mỹ, thuật ngữ tiếng Anh tương đương là “educational services” được sử dụng bởi Bộ Lao động Mỹ để phân loại các lĩnh vực lao động. Thuật ngữ này cũng được sử dụng bởi Bộ Giáo dục Mỹ khi để cập về các dịch vụ giáo dục dành cho các trẻ em có nhu cầu đặc biệt hoặc cần được hỗ trợ thêm ngoài chương trình chính khóa. Trong Luật Giáo dục hiện hành dài hơn 200 trang của tỉnh Ontario của Canada, cụm từ này cũng được sử dụng hai lần để nói về những dịch vụ cụ thể cho từng cá nhân học sinh có nhu cầu.

Tránh nhầm lẫn “dịch vụ giáo dục” và quan điểm “giáo dục là dịch vụ”

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuật ngữ “dịch vụ giáo dục” đã và đang được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để tránh hiểu nhầm, ta hãy xem xét sâu hơn ba khía cạnh của thuật ngữ.

Thứ nhất, ta cần phân biệt rõ hai khái niệm “giáo dục” và “dịch vụ giáo dục”. Giáo dục là một khái niệm bao hàm nhiều hoạt động chính thức (formal) và không chính thức (informal) khác nhau nhằm bồi dưỡng đức, trí, thể, mỹ cho người học dựa trên các hệ thống các giá trị văn hóa nhân bản của con người.

Mục tiêu của các hoạt động giáo dục từng cá nhân này là tạo ra những công dân có đạo đức, có trí tuệ, có kỹ năng, có sức khỏe và hướng thiện góp phần tạo nên một xã hội và thế giới ngày càng văn minh, giàu mạnh và dân chủ hơn.

Với cách nhìn này, “dịch vụ giáo dục” được đề cập đến trong các văn bản pháp luật quốc tế để chỉ các hoạt động giáo dục tương đối cụ thể và chính thức do các cơ sở giáo dục tổ chức và người học thụ hưởng nhằm đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện nêu trên.

Ngoài các hoạt động này, các hoạt động diễn ra không chính thức khác trong gia đình, cộng đồng, giữa người học với các thầy cô giáo, giữa người học với nhau cũng góp phần giúp người học trải nghiệm giáo dục và trưởng thành.

Thứ hai, việc sử dụng thuật ngữ “dịch vụ giáo dục” có thể làm cho mọi người dễ đơn giản hóa giáo dục trở thành một sản phẩm, dịch vụ thông thường như một cái ô tô hay tư vấn đầu tư.

Thật vậy, đầu thế kỷ 21, rất nhiều các học giả hàng đầu cũng như lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học đã phản đối việc coi giáo dục là một dịch vụ để trao đổi thương mại thông thường.

Sự phản đối này diễn ra khi tổ chức thương mại thế giới WTO khi đó quyết định đưa giáo dục vào danh mục các dịch vụ cho phép trao đổi thương mại giữa các nước tham gia thỏa thuận.

Ví dụ, Giáo sư Philip Altbach từ Boston College và Lawrence Summers, khi đó là hiệu trưởng đại học Harvard, đều cho rằng giáo dục là một hoạt động đặc thù không giống như các dịch vụ khác như dịch vụ tài chính, bảo hiểm, đầu tư.

Theo các học giả, giáo dục có yếu tố văn hóa và động lực thực sự của các hoạt động giáo dục là vì sự phát triển nhân văn của xã hội loài người. Động lực này khác, hoặc ít nhất cũng rộng hơn động lực của các dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản thông thường như đi lại, quản lý tài chính, hay thậm chí là nhu cầu có việc làm.

Thứ ba, cụm từ “cơ chế giá dịch vụ giáo dục” nếu được sử dụng trong luật dễ tạo cho người đọc cảm giác giáo dục đang bị “thương mại hóa”.

Tôi chưa thấy thuật ngữ “cơ chế giá” được sử dụng kèm với dịch vụ giáo dục ở Luật Giáo dục của tỉnh Ontario của Canada hay bang Massachusetts của Mỹ cho dù các luật này có dùng cụm từ “educational services” và có điều khoản đề cập tới chi phí, phụ phí, học phí.

Tóm lại, việc sử dụng thuật ngữ “dịch vụ giáo dục” trong các văn bản quy phạm pháp luật không phải là không có tiền lệ trên thế giới. Tuy nhiên, trong các văn bản Luật giáo dục của Mỹ hay Canada, cụm từ này được dùng để chỉ những hoạt động giáo dục cụ thể cho một hoặc một nhóm người học có nhu cầu riêng cụ thể.

Do vậy, việc sử dụng cụm từ “cơ chế giá dịch vụ giáo dục”, "cơ chế giá dịch vụ đào tạo" cần được cân nhắc để tránh những hiểu lầm không cần thiết vì dịch vụ giáo dục trong cụm từ này, nếu được dùng trong các luật giáo dục của Việt Nam, cần được hiểu ở phạm vi một chương trình học có cấp bằng chứ không chỉ gói gọn trong một vài dịch vụ cụ thể theo nhu cầu riêng biệt của từng người học.

Một số đề xuất

Dựa trên những phân tích trên, tác giả đưa ra hai khuyến nghị cho ban biên soạn như sau:

Thứ nhất, nếu thuật ngữ “dịch vụ giáo dục” này vẫn được sử dụng trong luật Giá và các phiên bản sửa đổi của Luật Giáo dục (2), định nghĩa cho khái niệm này cần phải được đưa vào phần giải thích thuật ngữ của luật. Bởi cụm từ này sẽ được dùng để quy định về học phí, “dịch vụ giáo dục” trong bối cảnh này cần được hiểu là các hoạt động giáo dục chính thức của cơ sở giáo dục cung cấp cho người học nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của chương trình đào tạo mà người học đăng ký.

Thứ hai, nên thay thuật ngữ “cơ chế giá dịch vụ giáo dục”/"cơ chế giá dịch vụ đào tạo" bằng “cơ chế tính học phí” và giao cho Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng riêng cơ chế tính học phí cho các cơ sở giáo dục. Nếu thực hiện việc này, việc sử dụng thuật ngữ “dịch vụ giáo dục” là không cần thiết nữa.

Thật vậy, có thể chỉnh sửa phạm vi áp dụng Luật giá và bỏ cụm từ này trong Luật giá ở lần chỉnh sửa tiếp theo (2). Đối với dự Luật Giáo dục, Trong dự thảo 3, điểm 35 cho điều 105 có thể thay cụm từ “chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo” bằng cụm “chi phí của hoạt động giáo dục, đào tạo”.

Trong hai hướng đề xuất trên, tác giả cho rằng hướng thứ hai hợp lý và có tính khả thi cao hơn. Đầu tiên, khái niệm học phí vốn đã được sử dụng và chấp nhận rộng rãi trong toàn xã hội. Lý do thứ hai là việc giao cho Chính phủ ban hành nghị định, hoặc Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch về cơ chế tính học phí sẽ giúp cho cơ chế này linh hoạt và phù hợp hơn với lộ trình phát triển và tự chủ hóa của các cơ sở giáo dục. Đề xuất này có một vướng mắc là phải chỉnh sửa Luật giá. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng thuật ngữ “dịch vụ giáo dục” là không thực sự cần thiết, dễ gây ra cách hiểu đơn giản hóa về các hoạt động giáo dục, và khác với ngôn ngữ luật giáo dục quốc tế, chúng ta vẫn nên chỉnh sửa Luật giá cũng như các luật giáo dục theo hướng này (2).

Phạm Ngọc Duy (Cử Nhân Toán, ĐHSP Hà Nội I; Thạc sỹ Quản lý Giáo dục, Boston College; Ứng viên Tiến sỹ Đo lường và Tâm trắc học Giáo dục, ĐH Massachusetts Amherst, Mỹ)

*********

Ghi chú:

1) Chỉnh sửa dựa trên góp ý của một độc giả

2) Bổ sung đề xuất do có thêm thông tin về Luật giá 2012 do một độc giả cung cấp

Điều 105. Học phí (trích dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục)

1. Học phí là khoản tiền phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Học sinh tiểu học trường công lập không phải nộp học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.

2. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo là toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phi quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục, đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo. Giá dịch vụ tuyển sinh là khoản tiền mà người dự tuyển phải nộp khi tham gia xét tuyển, thi tuyển sinh.

3. Chính phủ quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cơ chế thu và sử dụng giá dịch vụ tuyển sinh đối với công tác tuyển sinh sau khi thống nhất với Bộ Tài chính; hướng dẫn phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục do trung ương quản lý.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể và các khoản thu dịch vụ khác ngoài học phí (nếu có) đối với các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cơ chế thu và sử dụng giá dịch vụ tuyển sinh các cấp học do địa phương quản lý sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao được chủ động xây dựng mức thu học phí tương xứng với chất lượng giáo dục, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, đảm bảo bù đắp chi phí sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công khai chi phí đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, từng năm học theo quy định.”.

Nguồn tin: Báo VietNamNet