Trên thực tế, hầu như ai cũng biết, các nhà hàng càng biết, những hóa đơn tiếp khách (nhà nước trả tiền) được viết như thế nào. Ngay cả đoàn khách của các ban kiểm tra, một cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra nhắc nhở việc chi tiêu đúng quy định thì cũng vẫn ăn-nhậu-vui vẻ như thường...
Nhiều nơi, ngay cả UBND tỉnh, còn làm tờ trình xin hỗ trợ bổ sung hàng trăm triệu đồng để chi trả việc tiếp khách đột xuất. Uỷ ban Nhân dân không có nguồn trả nên… còn nợ nhà hàng.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến lần trưởng cơ quan viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam về địa phương, được địa phương mời uống loại rượu hàng nghìn đô la một chai, mà ông quá ngạc nhiên và băn khoăn. Và nhớ đến cách người Mỹ chi tiêu tiền công quỹ như thế nào qua chuyến giao lưu của đoàn nhà văn, nhà báo Việt Nam tới Mỹ.
Thông qua Bộ Ngoại giao, người Mỹ đóng góp một số tiền để hằng năm mời những nhà văn hóa trên toàn thế giới đến tìm hiểu đất nước, con người và văn hóa Mỹ. Mỗi người đến được cấp một khoản tiền bằng một nửa giá trị chuyến đi, nửa còn lại tự thân phải bỏ ra. Sang đến nơi, ở đâu chúng tôi cũng được đón tiếp nhiệt thành, muốn tìm hiểu điều gì, thì gửi nhu cầu đến trước hoặc trực tiếp, điều gì có thể, các cơ quan đối tác đều thỏa mãn.
Tuy nhiên, từ chai nước uống đến bữa ăn trưa, ăn tối, vé vào cửa bảo tàng, đi xem mỗi khách đều tự bỏ ra. Ai không ăn, chủ nhà cũng không hỏi, cho rằng, người đó có nhu cầu khác: Ăn kiêng, ăn khác bữa… Người Mỹ rất rõ ràng, không chỉ trong câu chuyện của chúng tôi, trong đời sống của họ cũng vậy. Hai người ăn cùng chúng tôi trong mấy bữa trưa là những quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao, họ cũng chỉ ăn suất ăn nhỏ, bằng tiền túi. Họ nói Tổng thống, Thống đốc bang… cho đến viên chức của họ đều như thế cả.
Nếu là khách mời thì khách mời được ấn định dùng quỹ nào thì cứ quỹ ấy mà sử dụng, còn họ, họ ăn bằng tiền riêng, bằng lương, họ cũng đề nghị chúng tôi không mua suất ăn mời họ. “Chi tiêu hành chính công là một chi tiêu cần phải đắn đo, vì dân được quyền kiểm soát chặt chẽ, có thể thông qua các cơ quan nhà nước, có thể qua phản ánh của người dân. Người dân phản ánh không cần nêu tên của mình, thư phản ánh bằng bất kỳ hình thức nào cũng được xem xét và điều tra…”. Một trong hai người nói với tôi.
Tôi nêu 02 ví dụ, một về Nhật, một về Mỹ để thấy, người ta giàu, có tiền để giúp đỡ các nước nghèo, các nước đang phát triển, nhưng người ta rất chặt chẽ trong chi tiêu, nhất là chi tiêu bằng tiền không phải của bản thân bỏ ra. Tôi nghĩ, bản chất văn hóa đó chỉ có ở những người tự trọng đã xây dựng một cung cách hoạt động văn minh.
Còn ở ta, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản quy định cụ thể về chế độ tiếp khách , tùy theo từng chức vụ, mỗi khẩu phần ăn là bao nhiêu tiền. Nhưng ai được gọi là khách, lý do gì được hưởng chế độ tiếp khách thì lại… không rõ ràng. Nhiều người đi công tác đã có công tác phí ở đơn vị mình, sang đơn vị khác, lại hưởng chế độ tiếp khách nữa. Còn đơn vị kia, dù “méo mặt” để chi tiếp khách nhưng cũng không dám có ý kiến gì, vì 02 lẽ. Một là, sau làm tờ trình để xin bổ sung ngân sách; hai là, nói ra cũng ngại, vì sau này hoặc trước đây mình đến địa phương kia thì mình cũng được hưởng vậy rồi. Vả lại “khách ba, chủ bẩy", có dịp thì “bày tỏ tình cảm” với nhau.
Thêm nữa, đọc các tờ trình xin bổ sung ngân sách, trong đó vì tiếp khách mà thành nợ nần, tôi cứ nghĩ, khổ (hay vinh dự) cho cái thân “ông” nào mà phê duyệt bổ sung ngân sách cho việc tiếp khách. Một tờ trình chỉ vài trăm triệu, nhiêu tờ trình là nhiều tỷ chứ đâu có đơn giản. Dân người ta, dù không đọc được những tờ trình nhưng người ta lại là người viết những cái hóa đơn, họ hiểu cả.
Tác giả bài viết: Trương Huyền
Nguồn tin: