Eximbank tạm ứng cho khách mất 245 tỷ: Yên lòng nhau

Admin
Theo luật sư, sau khi tạm ứng, hai bên vẫn tiếp tục đưa vụ việc ra tòa thì khách hàng nắm rủi ro do phụ thuộc phán quyết của tòa.

Sau quá trình thương lượng giữa Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và khách hàng Chu Thị Bình về vụ sổ tiết kiệm của bà này bốc hơi 245 tỷ đồng, ngày 26/6, hai bên đã thống nhất để bà Bình nhận tạm ứng đợt một 93 tỷ đồng.

Sau khi có kết luận điều tra, ngân hàng sẽ thanh toán tối đa 152 tỷ đồng trong đợt tạm ứng tiếp theo, tùy vào kết quả điều tra.

Theo Luật sư (LS) Trương Xuân Tám, Uỷ viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc Eximbank tạm ứng đợt một 93 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình chủ yếu có ý nghĩa làm dịu tình hình, tạm yên lòng nhau. Điều quan trọng là phải chắc chắn có bồi thường, chấp nhận bồi thường bao nhiêu.

Không được tiếp cận hồ sơ vụ việc, LS Trương Xuân Tám bày tỏ băn khoăn về thông tin đăng tải trên báo chí. Theo đó, có thông tin nói hai bên sẽ đợi phán quyết của tòa, có thông tin lại cho biết hai bên đợi kết luận điều tra của C44 (Bộ Công an).

 Bà Chu Thị Bình đã nhận tạm ứng 93 tỷ đồng từ Eximbank

"Đây là quyền dân sự về tranh chấp, bà Bình và Eximbank hoàn toàn có quyền thỏa thuận với nhau ở mức nào thì sẽ kết luận có bồi thường hay không, bồi thường bao nhiêu và như thế nào.

C44 giám định chữ ký để đưa ra kết luận có ký khống hay không, còn tòa sẽ thu thập bằng nhiều nguồn chứng cứ khác, quyết định trách nhiệm các bên ra sao, bà Bình kiện có đúng hay không, trách nhiệm của ngân hàng phải bồi thường bao nhiêu...

Nếu đợi ra tòa thì phải trải qua tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Phán quyết của tòa chỉ có hiệu lực pháp luật khi không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc hết thời hạn không kháng cáo, kháng nghị hoặc kháng cáo, kháng nghị rồi thì phải có tuyên bố của tòa phúc thẩm.

Như vậy, sự việc sẽ bị kéo dài, rủi ro cho khách hàng và chưa đi đến kết luận chung cuộc", LS Trương Xuân Tám chỉ rõ.

Cũng theo LS Tám, trong trường hợp hai bên chấp nhận không ra tòa nữa và đợi C44 kết luận điều tra là trách nhiệm thuộc về ai trong vụ án hình sự này thì ngân hàng và bà Bình chấp nhận ngay.

"Nhưng nếu C44 kết luận là ngân hàng không phải bồi thường chắc chắn bà Bình không chịu, vì kết luận điều tra chưa phải có hiệu lực pháp luật", LS Tám bày tỏ quan điểm..

Nhấn mạnh rằng trường hợp Eximbank và khách hàng Chu Thị Bình đưa nhau ra tòa hình sự hay dân sự thì sự việc sẽ tiếp tục kéo dài, LS Trương Xuân Tám còn cho rằng, nó không thể hiện được thiện chí của Eximbank, chứng tỏ Eximbank chưa nhận trách nhiệm về mình vì việc tạm ứng chưa phải là thanh toán hay bồi thường, chưa kể bà Bình còn gửi tiết kiệm lại toàn bộ số tiền tạm ứng 93 tỷ đồng tại chi nhánh Eximbank TP.HCM.

"Nó chỉ hạn chế thiệt hại trong trường hợp nếu tòa phán quyết, bà Bình được bồi thường cả gốc và lãi.", ông nói.

Trường hợp phán quyết của tòa có hiệu lực và nói rằng ngân hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà Bình thì việc tạm ứng nói trên đương nhiên không có ý nghĩa gì. Kể cả khi số tiền 93 tỷ vẫn giữ trong ngân hàng, thì với phán quyết (giả thiết) trên, những sổ tiết kiệm ấy không thuộc về quyền sở hữu của bà Bình.

"Vì lẽ đó, phải căn cứ vào lời văn và biên bản làm việc của Eximbank và bà Chu Thị Bình thì mới khẳng định được thiện chí của ngân hàng đến đâu.

Ban đầu Eximbank chỉ đề nghị tạm ứng cho bà Chu Thị Bình 14,8 tỷ đồng, bây giờ đã tạm ứng 93 tỷ đồng. Đó là một căn cứ để thể hiện rằng ngân hàng có thiện chí nhưng thiện chí này không phải là kết quả cuối cùng.