Ngày 12 tháng 10, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng trường Đại học Y tế công cộng, Viện chiến lược tổ chức hội thảo với chủ đề "Kết nối nghiên cứu và chính sách y tế".
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo, đại diện các vụ, cục thuộc Bộ Y tế; Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Chiến lược và Chính sách y tế; đại diện một số trường đại học nước ngoài tham gia dự án nghiên cứu…
Trong đó, dự án DANIDA có phiên báo cáo với chủ đề “Bạo lực, sức khỏe sinh sản từ khía cạnh văn hóa – xã hội” và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ sơ sinh.
Toàn cảnh hội thảo Kết nối nghiên cứu và chính sách y tế. Ảnh: NT |
Phiên báo cáo này tập trung làm rõ 3 vấn đề: Mối liên quan giữa vấn đề bạo lực do chồng với sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ sơ sinh; Bạo lực tinh thần, trầm cảm và sức khỏe sinh sản sau sinh. Làm thế nào để cải thiện sức khỏe tinh thần của phụ nữ mang thai và phụ nữ sinh con lần đầu tại Việt Nam; Vai trò của hỗ trợ xã hội đối với thai phụ tại Việt Nam.
Trong đó, qua kết quả nghiên cứu ở huyện Đông Anh (Hà Nội) từ năm 2014 đến 2016 về phụ nữ bị bạo lực do chồng cho thấy: Bạo lực do chồng đối với phụ nữ khi mang thai là khá phổ biến: bạo lực tinh thần 32%, bạo lực tình dục 9,8%, bạo lực thể xác 3,5%. Bạo lực do chồng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, người mẹ có nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non cao gấp 3 lần so với những người không phải chịu bạo lực thể xác.
Đồng thời, phụ nữ bị bạo lực thể xác có nguy cơ mắc trầm cảm khi mang thai cao gấp 6 lần và trầm cảm sau sinh cao gấp 3 lần so với những phụ nữ khác.
Theo đó, kết quả dự án đưa ra khuyến nghị phải tăng cường sự hỗ trợ của gia đình (nhất là gia đình ruột) và hỗ trợ xã hội đối với phụ nữ như sàng lọc trầm cảm trước, sau sinh; tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh.