Gần 4.000 ha lúa của Hải Phòng đổ ngã ràn rạt

Admin
Mưa xối xả, kèm gió lớn do ảnh hưởng của bão số 7 những ngày qua đã khiến gần 4.000 ha lúa vụ mua tại Hải Phòng sắp tới kỳ thu hoạch bị ngã đổ.

 Những cánh đồng lúa vụ mùa lúa đã sắp tới kỳ thu hoạch tại huyện kiến Thụy (Hải Phòng) bị đổ rạp do mưa, gió lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Miếng ăn đến miệng còn rơi...

Tính đến ngày 11/10, thống kê tại các quận, huyện có hoạt động sản xuất nông nghiệp ở TP Hải Phòng đã có hơn 3.800 ha lúa vụ mùa đang giai đoạn chín, sắp thu hoạch bị đổ, hơn 2.000 ha nuôi trồng thủy sản nguy cơ bị ngập và hơn 200 ha rau màu bị đổ hoặc dập nát lá do mưa, gió lớn.

Các địa phương có diện tích về lúa bị đổ và diện tích thủy sản nguy cơ bị ngập tập trung tại các quận, huyện như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Dương Kinh, Kiến Thụy, An Lão.

Tại huyện Kiến Thụy, những cánh đồng lúa vụ mùa đã chín đỏ đuôi tới chín sắp thu hoạch đã bị ngã rạp do gió kèm mưa lớn kéo dài những ngày qua.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) buồn bã cho biết: Vụ mùa 2021, diện tích lúa cả thôn khoảng 75 ha, trong đó, khoảng 10 ha lúa đã chín, có thể thu hoạch, còn lại đang giai đoạn chín đỏ đuôi (riêng gia đình bà Dung trực tiếp thuê thầu của 6 hộ trong thôn với diện tích 40 mẫu).

 Lúa đổ rạp, nếu tiếp tục gặp mưa lớn sẽ có nguy cơ nảy mầm, thối. Ảnh: Đinh Mười.

Lúa chín chưa kịp thu thì 2 - 3 ngày qua, ảnh hưởng của bão số 7, mưa xối xả kèm gió lớn liên tục đã khiến khoảng 6ha lúa bị đổ, trong đó, lúa bị đổ rạp, ngập nước, có nguy cơ thối hỏng nhiều nhất ở các khu ruộng trũng, sâu.

“Buồn lắm chú ạ! Cả vụ chăm bẵm, lúa chín ăn đến miệng rồi còn bị đổ hết. Giờ những chỗ đã gặt được thì cũng phải đợi nắng lên mới gặt được, còn những chỗ chưa gặt được thì chắc chắn năng suất sẽ giảm. Giờ chỉ mong trời thương, đừng mưa nữa, chứ mưa tiếp tục kéo dài thì khó mà vớt vát được gì", bà Dung xót của than.

Huy động các lực lượng gặt lúa "chạy" mưa bão

Tranh thủ mưa ngớt, ngày 11/10, bà con nhiều nơi có lúa bị ngã đổ ở Hải Phòng đã khẩn trương triển khai dựng lại lúa bị đổ bằng cách buộc túm 3 - 5 gốc và tiến hành tháo cạn nước trong ruộng.

Ông Trần Ngọc Toại, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kiến Thụy cho biết, đến ngày 11/10, toàn huyện có hơn 100 ha lúa bị đổ, trong đó phần đa là lúa chưa đến thời điểm thu hoạch. Thiệt hại xảy ở khắp các xã nhưng nặng nhất là các xã vùng ven đê như Ngũ Phúc, Đoàn Xá...

“Lụt thì không xảy ra nhưng ảnh hưởng bão nên lúa bị đổ nhiều, chúng tôi đang tham mưu cho huyện huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thanh niên… để khẩn trương hỗ trợ các địa phương ven đê gặt lúa cho dân trong vòng 2 đến 3 ngày tới để tránh thiệt hại do mưa bão”, ông Toại cho hay.

Mặt khác, ngành nông nghiệp huyện cũng sẽ huy động nhân lực để thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, đồng thời khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng và chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi mưa lớn gây thiệt hại...

 Người dân nuôi tôm ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh (Hải Phòng) sẵn sàng các phương án để ứng phó với mưa bão tiếp theo. Ảnh: Đinh Mười.

Tương tự như ở huyện Kiến Thụy, tại các quận, huyện có hoạt động sản xuất nông nghiệp lớn của Hải Phòng cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các địa phương và nhân dân tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng sau bão, triển khai ngay các biện pháp để khắc phục những diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do mưa, bão.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, tổng diện tích lúa vụ mùa hiện còn trên đồng ruộng khoảng 27.800 ha, trong đó diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch hơn 10.800 ha, diện tích cây rau màu trên đồng ruộng khoảng 1.479 ha.

Để chủ động phòng tránh thiệt hại do mưa bão, Sở NN-PTN Hải Phòng đã khẩn trương đề nghị các quận, huyện khẩn trương chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Với diện tích rau ngập, sẽ tập trung chăm sóc trở lại, chú ý phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để phòng trừ bệnh lở cổ rễ, kết hợp một số chế phẩm kích thích tăng trưởng và bón phân bổ sung khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh chóng phục hồi.

Đối với việc tiêu thoát nước, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã yêu cầu các công ty khai thác công trình thủy lợi bố trí nhân lực kiểm tra các vùng có nguy cơ ngập úng cục bộ và mở các cống đầu mối để tiêu nước.

Hiện tại, mực nước trong các hệ thống công trình thủy lợi ở Hải Phòng đang ở mức bình thường, mặt khác do đang trong thời kỳ con nước, nên việc tiêu thoát dự kiến sẽ thuận lợi.

Về thủy sản, dù không bị ảnh hưởng nhiều và chưa có thiệt hại xảy ra do bão số 7, tuy nhiên theo ghi nhận, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và chuẩn bị có bão số 8, người dân tại các vùng nuôi thủy sản ở Hải Phòng hiện đã khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả như lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, tàu thuyền, phao cứu sinh, vôi, hóa chất, chế phẩm sinh học, vitamin...

Một số hộ dân đã đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở nuôi và gia cố lại hệ thống dây neo, phao lông, vệ sinh lồng bè thông thoáng, đảm bảo an toàn khi mưa bão đến.

Với những hộ dân có sản phẩm thủy sản nuôi dã đạt kích cỡ thương phẩm, đã bắt đầu thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa để tránh thiệt hại có thể có.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng đã thả giống hiện đạt 11.420 ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài đê, thuộc diện có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất do mưa bão hơn 4.540 ha.

 

Tác giả: ĐINH MƯỜI

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam