Giá heo đồng loạt tăng 'nóng'

Admin
Giá heo hơi trên cả nước những ngày qua liên tục tăng, dao động 40.000-41.000 đồng một kg.

Tại huyện Hải Hậu - Nam Định, thương lái đang lùng mua heo tận chuồng với giá gần 4 triệu đồng 100kg, trong khi cách đó một tuần giá chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Bà Lan, chủ hộ chăn nuôi lâu năm tại huyện Hải Hậu cho biết thương lái liên tục gọi điện thu mua và nhờ giới thiệu các trại còn heo tồn, có uy tín.

Ở các địa phương chăn nuôi heo tập trung của miền Bắc như: Hải Dương, Hưng Yên cũng ghi nhận tình trạng xe vận chuyển đến các cửa khẩu (Lạng Sơn) nhộn nhịp.

Tại các tỉnh phía Nam, cơn sốt tăng giá cũng diễn ra không kém. Tại Bến Tre, ông Lê Văn Liêm, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, cho biết ông mới bán 23 con heo cho thương lái với giá 4 triệu đồng 100kg. Với giá này, người chăn nuôi tạm thời thoát cảnh lỗ triền miên và có lãi. Đây cũng là mức giá cao nhất từ cuối tháng 11/2016 đến nay, thậm chí, chỉ trong một ngày giá heo hơi khu vực Bến Tre tăng thêm trung bình 3.000 đồng một kg như ngày 17/7.

 Giá heo đồng loạt tăng mạnh tuần qua trên nhiều địa phương.

Đồng Nai - "thủ phủ" của ngành chăn nuôi heo cũng ghi nhận giá tăng nóng mấy tuần gần đây. Theo ghi nhận, từ ngày 14/7 đến nay giá heo hơi loại một (90-110kg mỗi con) xuất bán tăng liên tục, dao động từ 32.000 đến 36.000 đồng một kg, tăng 9.000-15.000 đồng mỗi kg so với trước đó.

Đến sáng 18/7 có nhiều nơi nông dân đã xuất chuồng được trên 45.000 đồng một kg. Đây là lần tăng giá nhanh và cao nhất trong bảy tháng trở lại, dù vẫn thấp hơn khoảng 4.000 đồng một kg so với một số tỉnh thành phía Bắc.

Heo tăng giá cũng giúp cho rất nhiều người "sống lại”, từ các hộ nhỏ lẻ đến trang trại. Các nhà máy thức ăn, doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu cũng thở phào với số hàng tồn kho đang chất cao như núi. Đại lý thức ăn, thuốc thú y có cơ hội thu hồi nợ, tiếp tục bán hàng. Ngay cả người làm dịch vụ vận chuyển thức ăn, vận chuyển heo hơi cũng có thêm việc làm, thêm thu nhập khi thị trường thịt heo sôi động trở lại.

Do giá tăng quá nóng, vài ngày gần đây xuất hiện thông tin giá heo tăng ảo và do một số doanh nghiệp, trang trại lớn làm giá. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn, nếu nhìn tín hiệu giá tăng liên tục vài tuần gần đây, có thể khẳng định thị trường rất khó tăng ảo nếu như không có biến động cung, cầu.

Heo tăng giá xuất phát từ nguyên nhân trong quãng thời gian hai tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Trung Quốc đột ngột gia tăng nhập khẩu. Khoảng nửa tháng giai đoạn này, mỗi ngày có ít nhất hơn 10.000 con heo được thương lái gom từ khắp nơi xuất sang Trung Quốc, làm giảm đi nhanh chóng đàn heo quá cỡ còn tồn đọng ở các trang trại. Mặc dù, giá heo hơi giao dịch tại cửa khẩu chỉ quanh ngưỡng 35.000-38.000 đồng một kg, nhưng bấy nhiêu đó cộng với việc xuất được khối lượng lớn cũng giúp thị trường nội địa xảy ra biến động nguồn cung, gây tăng giá.

“Đàn heo quá cỡ được giải quyết, cộng với nhu cầu nội địa vẫn ở mức cao nên nguồn cung trong nước giảm nhanh, giá tăng”, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài nói, đồng thời phân tích bên cạnh tín hiệu tăng giá, xét đến yếu tố tổng đàn, cũng có thể thấy hiện đàn heo đã ổn định, không còn tồn đọng quá nhiều như các tháng trước nên khi có lực cầu lớn từ Trung Quốc, giá tăng là khó tránh.

Ngoài nguyên nhân Trung Quốc tăng nhập khẩu, từ tháng 4/2017 trở đi, do nguồn cung dư thừa, giá heo giảm xuống đáy nên người dân cả nước đổ xô ăn thịt heo với nhiều cuộc giải cứu heo từ thành phố đến nông thôn. Do đó, ngay từ tháng 7 đã xuất hiện cung cầu vênh nhau khiến giá tăng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cũng nhìn nhận, heo tăng giá trở lại là kết quả của nỗ lực "giải cứu" thịt heo từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, người dân trong suốt thời gian qua, cộng thêm nhu cầu nhập khẩu của các nước đang tăng, đặc biệt là Trung Quốc.

Trưởng phòng thương mại Sở Công Thương Đồng Nai - ông Lục Văn Thủy, cũng khẳng định lượng heo tồn ở địa phương này hầu như đã hết, nên lượng heo thịt hiện ngang bằng với nhu cầu của thị trường.

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam cũng khẳng định việc “làm giá” của các doanh nghiệp là rất khó xảy ra, bởi đa phần lượng heo được nuôi tại Việt Nam là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quản lý. Ngay như với CP Việt Nam, dù được xem là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành chăn nuôi heo, nhưng tổng số lượng heo nuôi hiện nay chỉ chiếm khoảng 5% thì vai trò của việc điều tiết giá là điều không tưởng.

“Là công ty đại chúng nên chúng tôi công khai giá bán ở mọi thời điểm. Chính vì vậy, có nhiều nơi hay nhìn vào giá niêm yết heo hơi của công ty để đưa ra nhận định chung về mặt bằng giá cả”, ông Huy nói.