Giá thép giằng co

Admin
Giá thép những ngày qua có dấu hiệu hạ nhiệt phần nào nhờ tín hiệu từ phía cơ quan quản lý nhà nước về việc sẽ xử lý các dấu hiệu tăng giá bất thường

Báo cáo thị trường 5 tháng đầu năm 2021 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy sản xuất thép các loại tháng 5 đạt hơn 2,9 triệu tấn, tăng 3,53% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ. Trong tháng này, tiêu thụ đạt khoảng 2,4 triệu tấn, giảm 8,42% so với tháng 4 nhưng tăng 30,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng tháng 5 tiếp tục duy trì ở mức cao trong 5 năm trở lại đây do các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn từ nguồn ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, dự án năng lượng lớn, trọng điểm.

Nhu cầu giảm sút

Tuy nhiên, bước sang tháng 6, tiêu thụ thép đã giảm mạnh vì nhiều lý do, kéo theo giá thép cũng giảm.

Ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp (DN) thép TP HCM, cho biết giá thép giảm nhẹ 10%-15% trong vài tuần trở lại đây. Cụ thể, giá thép tấm công nghiệp giảm còn 22.500 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), trong khi mức giá trước đây là 24.000 đồng, cao điểm lên đến 25.000-26.000 đồng/kg.

Tương tự, thép xây dựng dân dụng giảm 800-1.000 đồng/kg về khoảng 17.500-18.000 đồng/kg. "Nguyên nhân giảm giá thép là do nhu cầu thép cùng các loại vật liệu xây dựng đang giảm mạnh khi TP HCM bước vào mùa mưa. Đồng thời, dịch bệnh cũng khiến nhiều công trình phải ngừng thi công, kéo theo cầu giảm" - ông Khương lý giải.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát xác nhận giá thép cuộn đã chính thức giảm 800 đồng/kg và thép cây giảm 500 đồng/kg vào ngày 7-6 vừa qua. Sau giảm, mặt bằng giá giao tại nhà máy (chưa gồm thuế GTGT) là 17.050 đồng/kg với thép cuộn và 16.500-16.600 đồng/kg đối với thép cây. Nguyên nhân giảm giá, theo DN này, do giá quặng sắt trên thị trường tháng 6 có dấu hiệu giảm.

 Giá thép 6 tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng do nhiều yếu tố như giá quặng tăng, tình hình dịch bệnh... Ảnh: THÙY DƯƠNG

VSA nhận định nhu cầu thép tháng 6 dù vẫn giữ ở mức khá cao song sẽ có xu hướng chậm dần. Đồng thời, do có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam nên giá bán thép xây dựng đã được điều chỉnh giảm hồi đầu tháng 6.

"Sau khi chứng kiến giá thép tăng trong 6 tháng qua trước nhu cầu mạnh mẽ trong nước và thế giới cùng với giá nguyên liệu thô tăng cao, các nhà chức trách Trung Quốc đã điều chỉnh đà tăng nhanh của thị trường nội địa. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường gần đây của thị trường thép thế giới gây ảnh hưởng đến giá sản phẩm thép trong nước, VSA đã có văn bản khuyến nghị các DN thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường" - ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, cho hay.

Cũng theo ông Đa, giá thép giảm những ngày qua còn nhờ động thái quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về việc sẽ can thiệp, xử lý nếu thị trường có dấu hiệu tăng nóng, bất thường. Từ đó, giá buộc phải trở về trạng thái bình thường, không còn nguy cơ tăng giá "ăn theo" thị trường thế giới, dù mặt bằng giá nhìn chung vẫn cao hơn năm ngoái rất nhiều.

Chưa rõ xu hướng

Giá thép chỉ vừa hạ nhiệt được vài ngày thì đã đứng trước nguy cơ tăng giá trở lại. Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết dù DN giữ nguyên mức giá bán tại nhà máy từ ngày 7-6 nhưng thực tế, giá quặng và các loại nguyên vật liệu đã tăng trở lại. "Hồi tháng 1-2020, giá quặng là gần 90 USD/tấn thì đến tháng 5 năm nay đã lên tới 202 USD/tấn. Trong tháng 6, có lúc giá quặng giảm xuống 180 USD/tấn nhưng nhanh chóng tăng lên 190-200 USD/tấn. Như vậy, giá quặng năm nay tăng gấp khoảng 2,5 lần năm ngoái" - đại diện Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát thông tin.

Trong khi đó, ông Trương Đình Thi, Giám đốc Công ty Xây dựng Dori, nhìn nhận dù có thông tin giá thép tại nhà máy giảm nhưng một số đại lý, cửa hàng thép vẫn giữ giá ở mức cao. Cụ thể, giá CB200 VinaKyoei Việt Nhật ngày 14-6 loại phi 6, phi 8 là 19.700 đồng/kg; thép cây giá từ 136.000-533.000 đồng/cây tùy kích thước. Dẫu vậy, do nhiều công trình lớn đang tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng nên giá thép bán trên thị trường thời gian tới có thể sẽ giảm.

Tại thị trường quốc tế, theo tìm hiểu của phóng viên, giá quặng sắt tăng trở lại vào ngày 14-6 do nguồn cung thắt chặt liên tục và nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi. Cụ thể, quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào miền Bắc Trung Quốc ngày 14-6 là gần 220,8 USD/tấn, tăng đáng kể so với mức 219,4 USD/tấn vào ngày 11-6. Trong khi đó, cách đây 3 tuần, giá nguyên liệu này giảm mạnh còn 182,57 USD/tấn, tạo kỳ vọng về một chu kỳ hạ nhiệt giá thép thành phẩm trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kỳ vọng về giá thép giảm sâu là chưa có cơ sở vững chắc. Bởi lẽ tuần trước, Vale - tập đoàn sản xuất quặng sắt lớn hàng đầu thế giới - cho ngừng hoạt động mỏ Timbopeba và một phần của mỏ Alegria, kéo theo sản lượng quặng cung cấp cho thị trường thế giới sẽ giảm khoảng 40.000 tấn/ngày. Trong khi đó, Trung Quốc cũng yêu cầu đóng cửa và kiểm tra một số hầm lò không dùng than sau khi một mỏ quặng sắt ở tỉnh Sơn Tây bị ngập lụt.

Ông Nghiêm Xuân Đa nhận định yếu tố nền tảng tác động đến giá cả hàng hóa nói chung là quan hệ cung - cầu trên thị trường thế giới đã thể hiện rất rõ ràng. Cụ thể, nhu cầu thép tại châu Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều tăng, trong khi cung không theo kịp cầu. Đồng thời, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cùng chi phí logistics tăng cao khiến đầu vào cho sản xuất bị chậm lại.

"Dù nguyên nhân giá thép hạ nhiệt trong những ngày qua là do nhu cầu và giá nguyên liệu đầu vào giảm nhưng thị trường vẫn chưa thể hiện rõ xu hướng, giá thép vẫn sẽ tiếp tục giằng co và dự báo sẽ thiết lập mặt bằng giá cao trong 6 tháng cuối năm nay. Tại Việt Nam, tiêu thụ chậm lại sẽ khiến các DN điều chỉnh sản xuất, giữ mặt bằng giá nhưng khả năng vẫn tăng cao do tác động từ thị trường thế giới" - ông Nghiêm Xuân Đa nhận định.

Theo tính toán của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, năm 2021, ngành thép phải nhập hơn 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao; 6-6,5 triệu tấn thép phế liệu cho các lò điện; khoảng 6,5 triệu tấn than mỡ luyện cốc và hơn 10.000 tấn điện cực graphite...

Năm nay, kinh tế Việt Nam cũng sẽ có sự phục hồi nhất định và dự báo tăng trưởng khoảng 6%, kéo theo nhu cầu phôi thép của thị trường trong nước tăng khoảng 6% và nhu cầu thép tăng 2%-3% so với năm 2020. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn và năng lực sản xuất cơ bản bảo đảm nhu cầu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và hoạt động logistics bị tắc nghẽn làm gián đoạn nguồn nguyên liệu, khiến các nhà máy không dễ đẩy mạnh sản xuất.

Với tình hình này, thị trường thép trong nước có thể tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới và chỉ bình ổn trở lại khi dịch bệnh được khống chế, nguồn cung nguyên liệu được thông suốt.

Tác giả: Phương Nhung - Sơn Nhung

Nguồn tin: Báo Người Lao động