Dẫn báo cáo của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, đạt 214 tỷ năm 2017. Góp phần lớn vào kim ngạch này là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 155,1 tỷ USD, trong nước là 59 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 35,8 tỷ USD chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp; EU là 17,6%; các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chiếm gần 30%.
Với độ mở nền kinh tế lớn tới 190% GDP, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh nên tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu giữ vai trò quan trọng. 12 hiệp định FTA đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA, là điều kiện cốt lõi để Việt Nam không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
"Nhiều lãnh đạo nước ta, kể cả các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thậm chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đều đi tiếp thị cho sản phẩm của Việt Nam, tìm thị trường mới", ông nói tại Hội nghị về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu ngày 23/4.
Dù có những con số xuất khẩu ấn tượng, song Thủ tướng cho rằng, vẫn còn những nút thắt cản trở con đường xuất khẩu Việt Nam.
Ông nêu thực tế, thủ tục xuất khẩu cải thiện hơn so với trước nhưng vẫn còn “con sâu nọ, con sâu kia”. "Tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp với thủ tục rườm rà, phức tạp trong xuất khẩu vẫn còn rất nặng nề. Chúng ta phải nhận diện nút thắt này và gỡ bỏ”, ông nói.
Thủ tướng tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh:VGP |
Theo lãnh đạo Chính phủ, không nước nào trên thế giới trở thành nước công nghiệp mà không thành công trong xuất khẩu. Họ đều coi thế giới là thị trường, Việt Nam không thể ngoại lệ.
Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế cũng là con đường để kinh tế Việt Nam cất cánh.“Giờ trước khi sản xuất mặt hàng nào thì phải nghĩ sẽ tiêu thụ ở đâu. Anh đã xuất khẩu cái xã hội cần hay chỉ xuất cái chúng ta có. Đừng để tình trạng dư thừa, không phát huy được lợi thế của đất nước”, Thủ tướng lưu ý.
Tại hội nghị, những khó khăn trong xuất khẩu cũng được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận diện. Theo ông, mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng song tỷ trọng của nhóm hàng điện tử rất lớn, chiếm 33% tổng kim ngạch. Nếu không tính hai mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.
Cùng với đó, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp FDI, chiếm trên 70% xuất khẩu. “Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra cho chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại, dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới..., xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động lớn”, ông Tuấn Anh nhìn nhận.
Một hạn chế khác cần được khắc phục là tình trạng một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường chính, cá biệt, có mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Đây là rủi ro rất lớn nếu những thị trường chiếm đa số này có biến động.
Cho rằng trước nay các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cá tra, nông sản… hầu hết dưới dạng thô, Thủ tướng đặt câu hỏi, “làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu?”.
Bên cạnh đó, ông nêu vấn đề, hiện có bao nhiêu rào cản về thể chế, quy định của Chính phủ, các bộ, ngành đang cản trở xuất khẩu hàng hoá Việt.
“Sáng kiến gì để loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu? Nếu chưa phát biểu được hết thì các đồng chí viết thư cho các Bộ, Thủ tướng để tháo gỡ chỗ này”, ông yêu cầu.
Các cơ quan như tham tán thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, hay Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đã làm tốt vai trò hay chưa, hiệu quả tới đâu để giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, cơ hội cũng như rủi ro của thị trường xuất khẩu.
Câu hỏi lớn thứ tư được lãnh đạo Chính phủ đề cập là hướng phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hoá xuất khẩu như thế nào trong bối cảnh Việt Nam ký loạt Hiệp định thương mại tự do, ưu đãi thuế quan?
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược tổng quát đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có sự góp ý, tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Công Thương đề xuất ba nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu 2018
Nhóm giải pháp tác động cung: tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Nhóm giải pháp tác động cầu: đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.
Nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu: cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.