Giấc mơ tiếp tục học đại học của nam sinh bị não úng thủy

Admin
Bị não úng thủy bẩm sinh, liệt hai chân nhưng Thắm không đầu hàng số phận, bằng nghị lực em đã thi đỗ đại học. Tuy nhiên vì gia cảnh quá nghèo, ước mơ của Thắm đứng trước nguy cơ dang dở.

Số phận nghiệt ngã của chàng trai tật nguyền

Về xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), nhắc đến cậu học sinh Nguyễn Văn Thắm (2003) được mẹ cõng tới trường ròng rã 12 năm không ai không biết. Thắm là đứa con duy nhất của chị Tạ Thị Hồng (SN 1966) - người mẹ đơn thân đầy khắc khổ.

 Chị Tạ Thị Hồng và đứa con tật nguyền Nguyễn Văn Thắm (Ảnh: Tiến Thành).

Từ lúc sinh ra, Thắm không biết mặt bố, đã vậy, em còn mắc chứng bệnh não úng thủy bẩm sinh và đôi chân bại liệt. Hai mẹ con Thắm là hộ nghèo "bền vững" của xã Quảng Phương. Chị Hồng không có công việc ổn định, ngày qua ngày lam lũ làm thuê, tần tảo nuôi nấng, chạy chữa cho đứa con tật nguyền.

"Lúc mang thai, tôi có đi khám thì bác sĩ nói cháu nó có vấn đề, khuyên tôi nên bỏ cái thai đi. Thế nhưng sau nhiều đêm trằn trọc, tôi nghĩ dù sao cũng là một sinh linh, là con của tôi, dù cháu có tật nguyền vẫn muốn con được sinh ra, tôi không nỡ bỏ cháu", chị Hồng tâm sự.

 Chị Hồng bật khóc khi kể về những ngày tháng vất vả của 2 mẹ con (Ảnh: Tiến Thành).

Biết trước và chấp nhận mọi chuyện nên khi Thắm ra đời, sức khỏe yếu và nhiều bệnh tật, đôi chân co quắp, chị Hồng cũng không quá bất ngờ. Ôm con trong tay, nước mắt chị Hồng cứ chảy dài cùng lời hứa sẽ cố gắng làm tất cả để chăm sóc con. Cuộc sống của người mẹ nghèo và cậu con trai tật nguyền ròng rã 19 năm qua trong sự khó khăn đến cùng cực.

Từ sinh hoạt hằng ngày, rồi đi hết viện này đến phòng khám khác và cả đi học Thắm cũng đều trên lưng mẹ. Dù thiếu thốn đủ bề, bữa no, bữa đói nhưng chưa bao giờ Thắm thiếu đi tình thương mẫu tử. Cũng chưa bao giờ chị Hồng thôi hy vọng, một ngày nào đó, con trai có thể tự bước đi trên đôi chân của mình.

 Vì đôi chân Thắm bị liệt, không thể đi lại, nên khi vào đại học, chị Hồng cũng phải khăn gói theo con đến trường (Ảnh: Tiến Thành).

Chị Hồng kể, khi Thắm còn nhỏ đã đòi đi học nhưng vì bệnh tật, lại đi viện thường xuyên nên cứ "bữa đực bữa cái", vào lớp 1 cũng chậm hơn so với các bạn. Mặc dù chân bị bại liệt, nhưng Thắm lại rất thông minh, hóm hỉnh nên được bạn bè và thầy cô hết sức yêu mến.

Ngày ngày, chị Hồng cõng Thắm tới trường, đợi con tan học lại đón về. Cứ như thế, ròng rã 12 năm qua, dù nắng hay mưa, dù đau ốm hay mỏi mệt, chị vẫn luôn cố gắng cùng con tới trường. Trong suốt những năm Tiểu học, THCS rồi THPT, Thắm đều học khá. Thắm ngoan ngoãn, ham học chính là động lực để chị Hồng cố gắng, đồng hành cùng con trong suốt thời gian dài.

Nỗi sợ không được tiếp tục lên giảng đường 

Nỗ lực, quyết tâm của Thắm, cùng tình yêu, sự hy sinh của người mẹ nghèo đã được đền đáp xứng đáng khi vào kỳ xét tuyển đại học 2022, Thắm ghi tên mình vào Trường Đại học Quảng Bình, trở thành tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin.

Tin Thắm đỗ đại học khiến 2 mẹ con vỡ òa trong niềm sung sướng nhưng rồi sau đó là một nỗi lo lớn của người mẹ nghèo. 12 năm ròng rã cõng con đi học, vượt qua bao gian truân để đứa con thiệt thòi theo đuổi đam mê, thắp lên hy vọng nhỏ nhoi về cuộc đời tươi đẹp cũng đã khiến chị Hồng "sức cùng lực kiệt". Tuổi tác ngày một cao, gia cảnh khốn khó, chị Hồng chỉ sợ không thể tiếp tục đồng hành cùng con.

Nhiều lần chị có ý định động viên con không học đại học nữa, nhưng nhìn sự háo hức, niềm hy vọng ánh lên từ đôi mắt của đứa con tật nguyền, chị Hồng chẳng thốt nên lời, nước mắt cứ chảy dài mà không biết làm sao.

 Thắm khao khát được đến trường, học nhiều kiến thức để sau này có được một công việc (Ảnh: Tiến Thành).

Cũng may mắn cho Thắm là khi biết về hoàn cảnh của em, Trường Đại học Quảng Bình đã hỗ trợ phương tiện đón Thắm về trường, dành một phòng riêng tại ký túc xá để 2 mẹ con ở, miễn học phí và tạo mọi điều kiện để Thắm theo đuổi ước mơ. Nhờ vậy, Thắm mới có thể bước chân lên giảng đường, trở thành một chàng sinh viên.

Thắm chia sẻ, em đọc rất nhiều câu chuyện và biết có nhiều người dù tật nguyền nhưng bằng nỗ lực của bản thân họ vẫn có thể làm việc, dùng trí óc và đôi bàn tay để kiếm tiền, do đó em rất quyết tâm học đại học.

 Niềm mong mỏi của chị Hồng là đứa con trai thiệt thòi được theo đuổi ước mơ, kiếm được một công việc phù hợp để tự nuôi bản thân khi mẹ già yếu (Ảnh: Tiến Thành).

Thắm theo học công nghệ thông tin cũng bởi nghề này có thể làm việc tại nhà, không phải di chuyển nhiều. Chàng sinh viên khuyết tật không dám mơ ước gì cao xa, chỉ mong có được kiến thức, rồi mở một cửa hàng nhỏ sửa chữa máy tính, điện thoại, kiếm tiền nuôi bản thân, chăm sóc mẹ khi về già.

Tuy nhiên Thắm hiểu rõ hoàn cảnh của mình, dù đã vào đại học, nhưng hành trình 4 năm còn rất dài, 2 mẹ con "ăn bữa nay, lo bữa mai", chẳng biết có thể trụ được đến bao giờ. Thắm chỉ sợ phải bỏ lỡ giấc mơ cầm trong tay tấm bằng đại học.

 Biết được hoàn cảnh của Thắm, bạn học cùng lớp đã đến hỗ trợ, cõng em lên giảng đường (Ảnh: Tiến Thành).

"Mẹ là đôi chân của em, mẹ vất vả, khó nhọc nhưng cũng chưa thể làm được gì đỡ đần. Ngày em được thông báo vào trường nhập học, mẹ cứ băn khoăn mãi, em biết lúc đó mẹ chẳng có tiền mà đi xe. Cũng may nhờ các thầy, cô em mới được lên giảng đường, có nơi ở trong ký túc xá. Em khao khát có kiến thức, có tấm bằng đại học nhưng sợ ước mơ đó đành phải bỏ dở", Thắm buồn bã.

Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Võ Khắc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình cho biết, vừa qua, nhà trường đã có những hỗ trợ kịp thời cho Thắm để em yên tâm nhập học. Tuy nhiên về lâu dài, Thắm rất cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, không chỉ để hoàn thành chương trình đại học mà có được cơ hội vượt lên số phận.

 Chàng sinh viên khuyết tật Nguyễn Văn Thắm đang rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ học tập (Ảnh: Tiến Thành).

"Với những gì Thắm đã và đang nỗ lực vượt qua cho thấy nghị lực phi thường, đáng nể phục của em. Rất mong các mạnh thường quân sẽ chung tay giúp đỡ để em và mẹ bớt gánh nặng cuộc sống, tạo tiền đề để chàng trai kiên cường này có một tương lai tốt đẹp hơn", thầy Sơn bày tỏ.

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ xin gửi về: Em Nguyễn Văn Thắm

Địa chỉ: Thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Điện thoại: 0833.352.657 (chị Hồng, mẹ của em Thắm).

Tác giả: Tiến Thành

Nguồn tin: Báo Dân trí