Sẵn sàng đập tan mọi âm mưu tráo trở của quân địch
Thấm thoát đã 70 năm kể từ ngày cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 320 (sau này là Sư đoàn 320) cùng các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương giải phóng, tiếp quản thành phố Hải Phòng, đến giờ trong lòng Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm - Nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm. Thời điểm giải phóng, tiếp quản Hải Phòng, ông đang là Trung đội phó thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Đại đoàn 320.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm nhớ lại, để đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đại đoàn 320 hoạt động vùng sau lưng địch. Ngày 16/1/1951, Đại đoàn 320 được thành lập tại Mống Lá, Nho Quan, Ninh Bình. Đại đoàn 320 là một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm - Nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng |
Từ ngày thành lập đến tháng 7/1954, Đại đoàn 320 đã lập nhiều chiến công oanh liệt vùng sau lưng quân Pháp ở Đồng bằng Bắc Bộ, góp phần chi viện trực tiếp cho nhiều chiến dịch lớn trên chiến trường miền Bắc. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Đại đoàn 320 vinh dự được Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố vào giải phóng và tiếp quản Hải Phòng, Kiến An.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng Hải Phòng, Đại đoàn 320 được tǎng cường Trung đoàn 42 thuộc khu Tả Ngạn. Lực lượng vào giải phóng Hải Phòng gồm: Đại đoàn 320, Trung đoàn 42, các đơn vị pháo binh của Bộ tăng cường và lực lượng bộ đội địa phương tại chỗ, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Sâm - Đại đoàn trưởng và đồng chí Phạm Ngọc Hồ, Chính ủy Đại đoàn.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm nhớ lại, thời điểm đó, công tác tổ chức đội hình, bố trí lực lượng vào tiếp quản thành phố Hải Phòng được các đồng chí lãnh đạo nghiên cứu tỷ mỉ, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị được giao. Từ cuối năm 1954, Đại đoàn bộ và Trung đoàn 48 đã hành quân về tập kết tại Ninh Giang, Tứ Kỳ (Hải Dương); Trung đoàn 64 về Đông Triều (Quảng Ninh) và Trung đoàn 52 về địa bàn tỉnh Thái Bình (giáp với Hải Phòng).
“Khi ấy, đội hình của các mũi tiến công tạo hình thành vòng cung Bắc - Nam áp sát thành phố Hải Phòng. Lực lượng này vừa làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh với địch khu vực 300 ngày, vừa tiến hành mọi công tác chuẩn bị vào giải phóng, tiếp quản Hải Phòng và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu tráo trở của quân địch. Mọi công tác chuẩn bị giải phóng, tiếp quản thành phố Hải Phòng đã đuợc thực hiện chu đáo”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm hồi tưởng.
![]() |
Nhân dân Hải Phòng chào đón bộ đội vào tiếp quản thành phố ngày 13/5/1955. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 10/5/1955, Trung đoàn 52 thuộc Đại đoàn 320 cùng với Tiểu đoàn 204 bộ đội địa phương tỉnh Kiến An vào tiếp quản thị xã Kiến An. Ngày 12/5/1955, Trung đoàn 42 chiếm lĩnh khoảnh 6 (toàn bộ huyện An Dương). Tối ngày 12/5/1955, Trung đoàn 48 đã vào Nhà máy xi mǎng Hải Phòng làm lực lượng dự bị, còn Trung đoàn 42 đảm nhiệm nhiệm vụ đã được phân công.
Ký ức hào hùng ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955
Sáng sớm ngày 13/5/1955, các cánh quân thuộc Đại đoàn 320 và Trung đoàn 42 đã vượt qua các cửa ô tiến về giải phóng thành phố Hải Phòng. Trung đoàn 42 theo đường 5 qua cửa Tây Bắc vào tiếp quản khu vực nội thành, triển khai chiếm lĩnh khu vực và các vị trí, nhiệm sở được phân công; Tiểu đoàn 664 phụ trách khu Máy Tơ, Cá hộp; Tiểu đoàn 234 chiếm lĩnh khu nhà ga, nhà băng 5 Sao, ngã 6; Tiểu đoàn 652 tiếp quản Cảng, xưởng đóng tàu, từ khu Máy Chai đến sông Cấm; Trung đoàn bộ vào khu Hải quân...
“Bộ đội ta vào đến đâu, nhân dân ùa ra mang cờ, hoa vẫy chào trong niềm hân hoan khôn xiết, hô vang những khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm”,“Miền Bắc giải phóng muôn năm!”. Trung đoàn 48 dâng dần đội hình, sẵn sàng chi viện cho Trung đoàn 42 và tiến thẳng vào khu vực Nhà hát thành phố. Trung đoàn 64 từ Đông Triều tiến vào Quảng Yên, Bến Bính...”.
Đúng 16 giờ ngày 13/5/1955, Trung đoàn 42 đã kéo lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Cũng trong giờ phút thiêng liêng ấy, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 42 đã chứng kiến những tên lính rút khỏi Hải Phòng.
Sáng ngày 14/5/1955, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại bến Nghiêng (nay thuộc quận Đồ Sơn) tại khu vực trước cửa Nhà hát lớn thành phố. Sau mít tinh, cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn 320 tham gia diễu binh từ Cầu Đất, xuống đến Cát Bi, Cầu Rào...
Ngày 13/5/1955, Hải Phòng được giải phóng, miền Bắc sạch bóng quân địch. Ngày 13/5/1955 là một mốc son trong lịch sử hình thành và phát triển của Đại đoàn 320 đã góp phần làm nên một sự kiện lịch sử trọng đại. Sau khi tiếp quản thành phố Hải Phòng, Kiến An, Đại đoàn 320 chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Sau ngày giải phóng, hàng ngày Đại đoàn 320 còn cử từng tổ 3 người đi vào trong dân để tuyên truyền chính sách của vùng mới giải phóng, điều này càng làm cho nhân dân gần gũi, cảm động và yêu mến bộ đội cụ Hồ. Tháng 9/1955, một cơn bão lớn đổ bộ vào thành phố, gây nhiều thiệt hại, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 320 đã chung tay, góp sức thau chua, rửa mặn. Đại đoàn 320 còn là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền để đấu tranh làm thất bại âm mưu cưỡng bức đồng bào Công giáo di cư vào Nam.
![]() |
Năm 1967, Thượng úy Nguyễn Duy Khâm cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 hành quân vào tham gia chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Tư liệu |
“Trong thời gian đứng chân trên địa bàn Hải Phòng, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân thành phố, Đại đoàn 320 đã củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng ngày càng trưởng thành. Đến tháng 11/1965, khi ấy đổi tên là Sư đoàn 320 đã rời Hải Phòng để chuẩn bị vào tham gia chiến trường miền Nam”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm nhớ lại.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm và các đồng đội vẫn phát huy bản chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ. Ông cũng tham gia công tác và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Bộ Quốc phòng cho đến khi nghỉ hưu.
70 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng về những ngày giải phóng, tiếp quản Hải Phòng trong ông vẫn vẹn nguyên. Những cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 320 năm xưa như Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm luôn tự hào đã góp công sức vào sự kiện trọng đại của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Cảng...
Giờ đây, sống trong thời bình, lớp trẻ như chúng tôi rất tự hào, biết ơn các thế hệ cha anh như Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm đã sống và cống hiến hết sức mình vì nền độc lập của dân tộc.
Ngày 13/5/1955, Hải Phòng hoàn toàn giải phóng. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. 70 năm qua là một giai đoạn đã chứng kiến và ghi dấu nhiều thay đổi to lớn về vùng đất, con người, kinh tế, xã hội của thành phố Cảng. |
Tác giả: Ngọc Tiến
Nguồn tin: congthuong.vn