Đền Tam Bạc - Nguyệt Cư phủ |
Từng là miếu trái phép, tên gọi tam sao thất bản
Ngôi đền tọa lạc tại trung tâm thành phố Hải Phòng, cạnh chân cầu Tam Bạc, cao 2 tầng, sơn màu nâu đỏ, mái lợp ngói xanh. Đền có nhiều cột, cửa gỗ lớn và các hạng mục làm bằng đá tự nhiên, đục khắc tinh xảo cho thấy số tiền đầu tư vào đây không nhỏ.
Đền được đặt tên “Đền Tam Bạc - Nguyệt Cư phủ”. Tuy nhiên, hầu hết người dân sống xung quanh và nhiều người dân Hải Phòng không biết đền thờ ai. Nhiều người địa phương kể, trước đây, ở mỏm đất cạnh ngã ba sông Tam Bạc giao với một kênh đào nối ra sông Cấm (cạnh vị trí đền mới xây) có ngôi miếu nhỏ. Nhiều gia đình, trong đó có những gia đình có người thân chết đuối trên sông thường ra đây cầu cúng.
Tại cuộc họp giải phóng mặt bằng mới đây, đại diện chính quyền UBND quận Hồng Bàng và phường Hạ Lý (địa bàn xây dựng đền) xác nhận từng phải giải tỏa điện thờ xây dựng trái phép tại khu vực này. Đến nay, ngôi đền được đưa vào quy hoạch và xây dựng chính thức. Trong các văn bản quy hoạch, ngôi đền có tên “Đền Bà Trấn Giang”, khi xây dựng xong lại có tên “Đền Tam Bạc - Nguyệt Cư phủ”.
Ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch UBND phường Hạ Lý cho hay đền không được đầu tư bằng ngân sách mà kêu gọi “xã hội hóa”. Tuy nhiên, xã hội hóa như thế nào, ai “góp vốn”, nguồn gốc đền ra sao, ông Lương hướng dẫn phóng viên hỏi bà Lê Thị Minh Nguyệt - trưởng ban quản lý đền.
Về tên gọi “Nguyệt Cư phủ”, bà Nguyệt lý giải bằng “thần tích” mới được trưng bày tại ngôi đền về Công chúa Nguyệt Cư (còn gọi là Bà chúa Lâm Thao, tương truyền là công chúa con vua Hùng thứ 17). Bà Nguyệt cho biết, khi xây dựng đền đã tham khảo Viện Hán Nôm và các giáo sư Trần Văn Điền, Vũ Minh Giang, Phạm Hoàng Giáp… Trả lời câu hỏi vì sao từ tên gọi chung là “đền bà Trấn Giang” như trong quy hoạch, nay đền lại có tên “Nguyệt Cư phủ”, bà Nguyệt nói: “Đền bà Trấn Giang có nghĩa là thờ một thần nữ để trợ chấn long miệng xấu ở khu vực ngã ba sông. Còn tôi được ngài giáng nhận (?)”.
Về cách thức huy động tiền xây đền, bà Nguyệt chưa trả lời nhưng ngôi đền được xây dựng thần tốc, xây từ cuối năm 2017 đến tháng 2/2018 đã hoàn thành. Dù xây mới nhưng ngôi đền xây đè lên toàn bộ vỉa hè, vượt qua một cột cắm ngay cạnh đó. Ngày 28/3, ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hồng Bàng chưa biết việc này và hứa sẽ cho kiểm tra.
Quy hoạch thay đổi liên tục, doanh nghiệp kêu cứu
Nền của ngôi đền vốn là trụ sở của Cty vận tải thủy số 3. Đại diện Cty này cho biết, tháng 8/2017, Cty nhận được thông báo phải giải phóng mặt bằng để làm cầu Tam Bạc. Vì là công trình giao thông nên Cty chấp hành, tòa nhà làm việc 3 tầng của Cty nhanh chóng bị đập bỏ. Tuy nhiên, cầu không “đi” vào phần đất đã giải tỏa mà trên đó nhanh chóng xuất hiện ngôi đền. Hiện, Cty này còn lại khoảng 400 m2 đất cạnh đền cũng đã bị UBND quận Hồng Bàng thông báo cưỡng chế, trong khi chưa bố trí một khu đất khác cho Cty này.
Theo Luật Quy hoạch đô thị hiện hành, việc thay đổi quy hoạch phải đảm bảo các điều kiện khắt khe; việc rà soát quy hoạch được thực hiện từ 3-5 năm/lần. Tuy nhiên, quy hoạch khu vực này vài tháng lại được điều chỉnh. Các tài liệu ít ỏi được UBND quận Hồng Bàng cấp đã cho thấy, ít nhất, từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2019 (chưa đến 2 năm), khu vực này có 4 lần điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, “Đền bà Trấn Giang” có khi được phê duyệt hơn 1000 m2, có khi ghi hơn 1.400 m2.
Lãnh đạo Cty vận tải thủy số 3 cho biết, doanh nghiệp chấp hành trả đất để xây đường, kè sông, tuy nhiên, Cty không đồng ý trả đất (dù là đất thuê của Nhà nước) đang sản xuất kinh doanh để xây dựng ngôi đền như trên. Hiện tại, Cty này khiếu nại lên UBND thành phố Hải Phòng và nhiều cơ quan chức năng khác. Ngày 28/3, đại diện UBND quận Hồng Bàng cho hay, vì có khiếu nại, Sở Tài nguyên và môi trường Hải Phòng đang tiến hành thanh tra.
Trên trang Facebook có tài khoản Đền Tam Bạc – Nguyệt Cư Phủ hiện nay đang có các thông tin, hình ảnh có tính thần bí như cá nổi trước đền vào ngày rằm, mùng 1 và các thông tin hướng dẫn để làm sao có căn quả, giải oan, giải nghiệp.
|