Hình ảnh Nguyễn Mạnh Tường sau khi xảy ra vụ việc. |
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, việc ra đời của công nghệ ADN ứng dụng trong điều tra và xét xử tội phạm đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của khoa học hình sự thế giới. Bằng công nghệ ADN, các chuyên gia thực thi pháp luật có thêm được công cụ trong tay để xác định đích danh tội phạm hoặc xác định chính xác các mối quan hệ huyết thống trong các vụ việc hình sự hoặc dân sự.
Trao đổi với PLXH, Đại tá Hà Quốc Khanh, chuyên gia giám định của nhiều đại án, nguyên GĐ Trung tâm Giám định ADN, nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ CA, hiện là cố vấn khoa học cao cấp Trung tâm xét nghiệm Gentis cho biết, một vụ án gây chấn động dư luận được thực hiện bằng công nghệ ADN đó là vụ án chị L.T.T.H tử vong tại cơ sở thẩm mỹ Cát Tường tháng 10 năm 2013.
Vụ án này đã gây chú ý của đông đảo dư luận lúc bấy giờ bởi nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của chị H, xác chị H đang ở đâu đang là câu hỏi cần được giải đáp? Vì xác được coi như là vật chứng duy nhất và chỉ tìm thấy xác mới có thể xác định được nguyên nhân chết. Để tìm xác chị H, CQĐT và gia đình tốn khá nhiều công sức và thời gian, thuê thợ lặn tìm kiếm nhiều ngày trên đoạn sông Hồng khu vực cầu Thanh Trì nghi do thủ phạm vứt xuống mà vẫn không thấy. Vì nếu không tìm thấy xác của chị H thì việc xét xử và xác định tội danh sẽ rất khó khăn.
Sau khoảng 10 tháng từ ngày xảy ra sự việc, ngày 18/7/2014, người dân phát hiện có một thi thể có nhiều đặc điểm giống với chị H. Thi thể này nằm trong bọc có chứa chất rắn như bê tông, gần bến đò Vân Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), cách nơi bác sĩ Tường khai ném xác nạn nhân xuống sông khoảng 3km. Cơ quan chức năng đã gửi mẫu thi thể đi xét nghiệm ADN để xác định tung tích nạn nhân.
Việc giám định ADN đã được Viện Khoa học hình sự, Bộ CA khẩn trương tiến hành. Mẫu được lấy từ mẫu xương của tử thi, các mẫu so sánh được lấy từ người thân là bố mẹ và con của nạn nhân. Kết quả giám định đã khẳng định, xác chết được phát hiện chính là nạn nhân H. Nhờ kết quả giám định này mà công tác điều tra, xét xử trở nên dễ dàng và vụ án được khép lại.
Ngày 30/8/1014, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP Hà Nội hoàn tất quá trình điều tra bổ sung và chuyển đề nghị truy tố sang phía Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội.
Ngày 15/10/2014, VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất bản cáo trạng lần 2. So với bản cáo trạng lần 1 thì bản cáo trạng lần 2 vẫn giữ nguyên quyết định truy tố 2 bị cáo về các tội danh nêu trên. Tuy nhiên, bản cáo trạng lần 2, cơ quan tố tụng điều chỉnh điều khoản của tội danh truy tố bị cáo Tường ở khung hình phạt cao hơn.
Ngày 4/12/2014, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường ra xét xử cấp sơ thẩm. Chiều 5/12/2014, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh” và 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tổng cộng hình phạt là 19 năm tù. Bị cáo bị cấm hành nghề 5 năm sau khi thực hiện xong hình phạt tù. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân L.T.T.H số tiền 585 triệu đồng. Bị cáo Tường còn phải chu cấp nuôi hai con của chị H mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các cháu trưởng thành.
Bị cáo Đào Quang Khánh, bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường - nhận mức án 24 tháng tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, 9 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Ngày 11/9/2015, HĐXX phúc thẩm đánh giá bản án sơ thẩm là hoàn toàn tương xứng với tính chất vi phạm của bị cáo. Vì những lẽ trên, HĐXX quyết định không xem xét bản kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên: 19 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.
Tác giả: Công Phương
Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn