Thực trạng này theo ông Tiến, không chỉ ở bậc phổ thông mà cả đại học. Điều mà ông chứng kiến trong suốt quá trình từ khi là hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải cho đến khi làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng hiện nay.
“Khi còn ở ĐH Hàng hải, chúng tôi cũng đã đầu tư hơn 1 triệu USD để xây dựng thư viện và đầu tư nhiều tỷ đồng hằng năm để cập nhật sách thay cho thư viện. Chúng tôi vẫn luôn trân trọng các thầy cô để chọn những cuốn sách hiện đại nhất, tuyệt vời nhất, thậm chí có thể khó mua nhất để đặt mua. Thế nhưng sau khi chúng tôi mua sách thì sau nhiều năm, các cuốn sách ấy vẫn còn mới tinh, thậm chí sách còn nguyên túi nilon”.
Sang phụ trách lĩnh vực phổ thông, ông Tiến cho hay bản thân có đến tham quan rất nhiều thư viện của các nhà trường, song thực tế cũng không khác nhiều. “Hầu hết rất đẹp nhưng... khóa kỹ, sạch sẽ quá và sách gần như mới tinh!”, - ông Tiến cho hay bản thân rất trăn trở trước thực trạng này.
“Sách là dòng sông tri thức và dòng sông này dứt khoát phải chảy và được cộng đồng tham gia, đóng góp”.
“Nhiều trường có thư viện rất đẹp nhưng... khóa kỹ, sách gần như mới tinh” - ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng nêu thực trạng. |
Cũng vì vậy mà Sở GD-ĐT TP Hải Phòng quyết định cùng với những người tâm huyết nhất để thành lập nên dự án “Bước chân của sách”.
Chỉ sau mấy tháng, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, đến nay 14 quận, huyện đã huy động được gần 1 triệu cuốn sách, dù không cần đến ngân sách, mà chỉ nhờ sự quan tâm của phụ huynh và học sinh.
Làm phong trào tốt nhưng chưa duy trì được "lửa"
Ông Tiến cho hay, tủ sách lớp học, tủ sách học đường thực tế không mới và cũng đã được nhiều nơi tổ chức cách đây 5-7 năm. Nhưng không ít nơi, làm phong trào rất tốt nhưng việc duy trì giữ lửa thì chưa làm được. “Chúng ta thổi bùng lên ngọn lửa nhưng việc duy trì thì khiến tôi rất băn khoăn”.
Mô hình "Thư viện 50 nghìn đồng" đã giúp nhiều học sinh ở TP Hải Phòng có cơ hội đọc và trao đổi sách hay ngay tại lớp học của mình. |
Để khắc phục điều này, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã phát động mô hình “thư viện 50 nghìn đồng” với ý nghĩa mỗi học sinh sẽ đóng góp một cuốn sách hoặc 50 nghìn đồng để mua sách góp vào tủ sách của lớp.
“Như vậy, chỉ đóng góp hoặc bỏ số tiền một quyển nhưng khi đến lớp trẻ có thể được đọc 45 cuốn sách. Không dừng lại ở đó, các lớp tiến hành trao đổi sách với nhau thì học sinh mỗi trường được đọc hàng ngàn cuốn sách. Và khi trao đổi sách giữa các trường với nhau trong địa phương thì các học sinh sẽ được đọc hàng vạn cuốn. Như vậy dù là các học sinh khó khăn hay xa xôi nhất cũng sẽ được đọc những cuốn sách yêu thích.
Kinh nghiệm từ bản thân cho tôi thấy rằng nếu chúng ta xây dựng nên những thư viện hoành tráng, hay tăng biên chế nhân viên thư viện nhưng có người đến để đọc không lại là chuyện khác. Do đó chúng tôi muốn các thư viện này đặt tại chính lớp học, để làm sao sách được mở nhiều nhất. Giả sử sách có bị mất thì tôi cho đó cũng là may mắn cho nền giáo dục Hải Phòng nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung”.
|
Sẽ theo dõi 'bước chân' của sách
Tuy nhiên, theo ông Tiến, nếu muốn xây phong trào học sinh đọc sách thì dứt khoát phải có thời gian đầu tư cho việc cung cấp sách. “Bởi cho trẻ mầm non phải tìm truyện tranh, tiểu học phải nửa tranh nửa chữ, hay đến THPT thì sách cũng phải có đan xen một chút tình cảm, tâm lý tuổi học trò”.
Ngay trong cả việc chọn người trông coi thư viện, làm tủ sách, ông Tiến cho rằng nếu chọn những người không yêu thích sách thì tủ sách cũng khó tươi vui, đa dạng, phong phú.
Do đó, Hải Phòng cũng lên kế hoạch tập trung chọn 200 cán bộ tâm huyết để thực hiện dự án này. Mỗi một quận, huyện sẽ chọn 2 giáo viên tâm huyết ở bậc mầm non, 2 giáo viên tiểu học, 2 giáo viên THCS và 1 giáo viên THPT.
“200 người này sẽ được bồi dưỡng, hỗ trợ các kỹ năng cho việc quản lý, duy trì, phát triển tủ sách trong năm nay. Sang năm, con số này sẽ lên thành 400 người và 5 năm sau sẽ có một cộng đồng đủ để duy trì tủ sách. Chứ không phải phong trào bùng lên một chút rồi lại tắt mất”.
Ông Tiến cho hay, hiện Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng đã kết nối với Sở GD-ĐT Yên Bái để thực hiện nhân rộng dự án “bước chân của sách”.
“Chúng tôi mong mỏi, qua việc này, những học sinh của Yên Bái - những người đang nỗ lực từng ngày sẽ được đọc những cuốn sách hay nhất, và có thể thay đổi số phận chứ không mang nghĩa tặng sách từ thiện để sinh ra tư duy trông chờ từ thiện”, ông Tiến nói.
Học sinh Hải Phòng đọc sách trên lớp |
Ông Tiến cho hay, tới đây, từng quyển sách trong các tủ sách lớp học cũng sẽ được Hải Phòng cấp một mã số định danh. “Qua đó, địa phương chúng tôi có thể theo dõi được bước chân của những cuốn sách này, bắt đầu từ đâu và rồi hiện đang đến đâu. Cùng đó, cũng có thể giúp biết được mỗi học sinh trong một năm đã đọc được bao nhiêu quyển sách”.
Ông Tiến hy vọng, các tủ sách không chỉ dừng lại dành cho các học sinh, mà trong tương lai còn có các tủ sách cho các phụ huynh, các thầy cô giáo được đặt tại những phòng đợi. Khi đó các giáo viên cũng có thể đọc sách trong những phút rảnh rỗi để thư giãn.
“Chúng ta cứ nói về trường học hạnh phúc, nhưng trước hết chính các thầy cô phải hạnh phúc mà việc này chỉ có khi đáp ứng được cả vật chất lẫn tinh thần”, ông Tiến nói.
Những điều này được ông Tiến chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát triển văn hóa đọc năm học 2020-2021 do phòng GD-ĐT quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng tổ chức mới đây.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: vietnamnet.vn