Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: NGHĨA ĐỨC |
Ngày 23-1, thay mặt Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản gửi các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố về hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách
Để bảo đảm triển khai phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được đồng bộ, kịp thời ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung.
Trong đó, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đối tượng khác, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá và thực hiện rà soát, sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm giảm tối thiểu 20% hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Việc này nhằm giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ngành phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại nghị định 178/2024.
Trên cơ sở phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo giao các bộ, cơ quan chủ trì với các cơ quan thuộc diện hợp nhất, sáp nhập, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tiến hành một số nhiệm vụ.
Trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình trước ngày 5-2 để lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
Khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thành viên Chính phủ, trình Chính phủ ban hành trước ngày 10-2, bảo đảm có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Hoàn thành việc xây dựng quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các tổ chức, đơn vị bên trong, làm cơ sở bố trí công chức, viên chức và sắp xếp các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Thống nhất phương án bàn giao tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thống nhất phương án chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động đề nghị Bộ Công an để đăng ký con dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sự thay đổi về tên gọi theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã báo cáo Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bảo đảm sau khi Trung ương và Quốc hội thông qua có thể đi vào hoạt động ngay...
Giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho các bộ ngành
Ban Chỉ đạo đề nghị 6 cơ quan gồm Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành trước ngày 3-2.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, đề nghị Bộ Công an hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Đồng thời chủ động hướng dẫn công an cấp tỉnh triển khai đề án sắp xếp công an cấp huyện và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an cấp tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương (ngày 23, 24-1).
Thanh tra Chính phủ hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương.
Ban Chỉ đạo giao Bộ Nội vụ trình Chính phủ nghị quyết giải thể Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự về Bộ Tài chính.
Đồng thời chuyển giao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính.
Chuyển giao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với Tổng công ty MobiFone về Bộ Công an.
Bộ Nội vụ cũng được giao trình Thủ tướng quyết định giải thể Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ chủ động lấy ý kiến thành viên Chính phủ trên cơ sở hồ sơ trình dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành.
Khẩn trương tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để các bộ, ngành tiếp thu, giải trình, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành theo quy định.
Tham mưu tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và công bố các nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành ngay sau khi bế mạc kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV (dự kiến ngày 18-2).
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, TP chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường về các địa phương theo định hướng của Ban Chỉ đạo.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ