Giáo hoàng gặp sóng gió vì nạn lạm dụng tình dục

Admin
Giáo hoàng Francis bị kêu gọi từ chức sau bê bối xâm hại tình dục trẻ em của 300 linh mục ở Mỹ.

 Giáo hoàng Francis trong một cuộc họp với các tín hữu tại Rome, Italy hôm 14/5. Ảnh: Reuters.

Tòa thánh Vatican đang hỗn loạn sau khi bản báo cáo của bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania, Mỹ, công bố hôm 14/8 cho biết hơn 1.000 trẻ em trong 6 giáo phận đã bị lạm dụng tình dục bởi 300 linh mục trong vòng 70 năm.

Nghiêm trọng hơn, báo cáo tiết lộ các giám mục và chức sắc cấp cao trong nhà thờ đã cố gắng ngăn chặn làn sóng phản đối và trách nhiệm pháp lý bằng cách che giấu tội ác. Sự cố này đe dọa vị thế của Giáo hoàng Francis, 5 năm sau khi ngài thay thế Giáo hoàng Benedict XVI, theo Fox News.

Người phát ngôn Tòa thánh Vatican Greg Burke hôm 16/8 thừa nhận sự cố này đã "phản bội niềm tin và cướp đi nhân phẩm" của các nạn nhân. "Giáo hội phải rút ra bài học nghiêm khắc từ quá khứ, đồng thời nhận trách nhiệm cho cả những kẻ lạm dụng và những người cho phép điều đó xảy ra", ông tuyên bố. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng động thái của Tòa thánh chưa đủ và quá muộn màng.

Tổ chức Tự do Tôn giáo, một nhóm những người vô thần hoặc trước đây theo Công giáo, đang tiến hành chiến dịch quảng cáo trên New York Times nhằm kêu gọi người dân rời Giáo hội.

"Các linh mục đang cưỡng bức trẻ em, còn những người thay mặt cho Chúa vốn phải chịu trách nhiệm lại không làm gì mà che giấu tất cả", đoạn quảng cáo cho biết. Tổ chức này đề nghị Giáo hoàng đưa ra phản hồi, không chỉ trong lời nói mà cả hành động.

Trước đó vào hôm 26/8, cựu đại sứ Tòa thánh Vatican tại Mỹ Carlo Maria Vigano đã công bố bức thư dài 11 trang kêu gọi Giáo hoàng Francis từ chức vì đã im lặng trước những hành vi lạm dụng và quấy rối tình dục kéo dài hàng thập kỷ của cựu Hồng y Theodore McCarrick. Vigano cáo buộc Giáo hoàng biết chuyện nhưng không làm gì để kỷ luật McCarrick.

Cáo buộc của Vigano đưa ra trong bối cảnh Giáo hoàng Francis đang ở "tâm bão" khiến những người ủng hộ cho rằng các phe bảo thủ trong Tòa thánh đang nỗ lực làm suy yếu quyền lực của ngài. Việc Giáo hoàng tiếp xúc với những tín hữu đồng tính và đã ly dị, điều được coi là đi ngược với giáo lý Công giáo, vấp phải sự phản đối của những người bảo thủ.

Francis, Giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Nam Mỹ, gây ấn tượng với các tín hữu Công giáo nhờ việc thường xuyên tới các nhà tù và rửa chân cho tù nhân, trò chuyện cùng người vô gia cư, bày tỏ sự tôn trọng với những người bị xã hội gạt ra bên lề.

David Gibson, giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa tại Đại học Fordham, Mỹ, cho biết phản ứng đối với Giáo hoàng Francis vì phản hồi chậm với các cáo buộc lạm dụng là "không công bằng".

"Ông ấy dường như bị Giáo hội cũ chi phối quá nhiều, nhưng lại thể hiện tốt hơn so với những người tiền nhiệm. Ông ấy đặt niềm tin vào các chức sắc hơn nạn nhân, hành động rất cẩn thận và bày tỏ sự tôn trọng Giáo hội", Gibson giải thích.

Điều này thể hiện qua việc Giáo hoàng từng bảo vệ một giám mục Chile khi ông bị cáo buộc vô trách nhiệm với nạn nhân bị lạm dụng, nhưng đã buộc giám mục này từ chức khi sự thật sáng tỏ. "Giáo hoàng Francis đã xin lỗi chân thành, và không Giáo hoàng nào từng sa thải một giám mục", Gibson nói.

Trong chuyến thăm Ireland hôm 26/8, Giáo hoàng Francis cũng nhấn mạnh Giáo hội cần "cứng rắn và quyết đoán trong việc theo đuổi công lý và sự thật", đồng thời cầu Chúa tha thứ vì những "bê bối và sự phản bội" mà các nạn nhân bị xâm hại tình dục phải chịu. Trước đó, Giáo hoàng cũng gửi thư tới 1,2 tỷ tín hữu Công giáo, kêu gọi mọi người chung tay đối phó với nạn lạm dụng tình dục trẻ em.