Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, tính đến nay, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Toàn thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, trong đó 82% là giáo viên mầm non.
Cô giáo đi xuất khẩu lao động
Vài ngày nữa, chị Trần Thị Ngọc Linh (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) sẽ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Chị Linh vốn là giáo viên một trường mầm non tư thục ở Thủ Đức. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ập đến, trường đóng cửa nên chị bị mất việc gần một năm qua.
Nhiều giáo viên mầm non tư thục bị mất việc do COVID-19. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Nghỉ việc quá lâu, những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng cũng tiêu hết, áp lực về chi phí sinh hoạt khiến chị Linh quyết định sang Nhật Bản xuất khẩu lao động với hy vọng "cuộc sống có chút thay đổi".
"Cơ sở mình dạy học không biết đến khi nào mới hoạt động trở lại. Con mình còn nhỏ, dù không nỡ lòng đi nhưng giờ cũng chẳng còn cách nào khác. Mình phải gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi qua đó ráng làm việc chăm chỉ vài năm để gửi tiền về cho gia đình cũng như để sau này có một số vốn trở về làm ăn", cựu giáo viên chia sẻ.
Chị Linh cho biết, không chỉ riêng chị mà rất nhiều giáo viên mầm non tư thục khác cũng rơi vào tình cảnh suy sụp, buộc phải xoay sở tìm việc khác để kiếm tiền. Có người đi làm nhân viên bán hàng, bán bảo hiểm, bán hàng online, nhiều giáo viên phải trở về quê sau những tháng ngày "bơ vơ" giữa thành phố.
Năm ngoái, sau khi ra trường, Ngọc Lan (23 tuổi, quận Gò Vấp) xin đi làm tại một cơ sở giáo dục mầm non tư thục nhưng chỉ vài tháng đã phải nghỉ dịch đợt 1. Qua năm 2021, Lan làm vài tháng thì nghỉ dịch đợt 2.
"Khi trường cho nghỉ, em đi xin việc khắp nơi nhưng không được. Nhiều lúc em thật sự chán nản, hụt hẫng muốn khóc, đến tháng 6 thì tìm được việc làm nhưng chưa tới một tuần lại phải nghỉ dịch đợt 3", Lan tâm sự.
Suốt 5 tháng phải nghỉ do dịch COVID-19, Lan gặp áp lực cả về vật chất lẫn tinh thần. Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, cô tiếp tục đi tìm công việc mới, cuối cùng nhận giữ trẻ tại nhà và bán hàng thêm tại một cửa hàng nhỏ.
"Thật sự em cũng cảm thấy tủi thân và chạnh lòng khi nhìn các bạn bè cùng trang lứa có công việc ổn định, còn mình được ăn học ra trường đàng hoàng thì lại bấp bênh như vậy", Lan chia sẻ.
Những cuộc gọi trong nước mắt
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, chủ nhóm lớp mầm non Đa Trí Tuệ AMI cho biết, khi tâm sự với vài giáo viên mầm non, chị mới hay, có những cô giáo phải giảm khẩu phần ăn của gia đình từ 3 xuống 2 bữa một ngày. Có đầu bếp của trường phải đi làm phụ hồ, xây dựng hoặc bốc vác để mưu sinh.
"Thực sự rất xúc động, rất thương vì không thể làm được gì giúp các bạn. Lúc đó tôi nghĩ ra ý tưởng sáng lập chiến dịch 1000+1 nhằm kêu gọi các nguồn ủng hộ từ xã hội, hỗ trợ cho các giáo viên mầm non khó khăn trên khắp cả nước. Ý tưởng đó rất được mọi người ủng hộ. Ngay 2 hôm đầu tiên, tôi được bạn bè ủng hộ hơn 50 triệu đồng, vài hôm sau có một vài tổ chức ủng hộ gần 100 triệu đồng, hiện đã có hơn 70 tình nguyện viên tham gia", chị Vân chia sẻ.
Có những giáo viên mần non phải đi bán cà phê, đi giúp việc, bán hàng online. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Theo chị Vân, sau khi triển khai, chiến dịch đã nhận được đến hơn 3.000 hồ sơ của các cô giáo khắp cả nước gửi về, nhiều nhất là các giáo viên mầm non tư thục ở các tỉnh thành phía Nam. Nhiều cô vừa khóc vừa nói trong nước mắt về tình cảnh của mình hiện tại. Có cô thì cả gia đình 5 người đều dương tính.
"Thậm chí có những cô giáo bọn em gọi điện thì cô đang điều trị COVID-19 phải thở máy, gia đình cô rất khó khăn. Có cô khi nhận hỗ trợ 1,2 triệu đồng thì dùng tiền đó để mua sữa cho con, bởi vì không có tiền để mua sữa nữa, tiền nhà trọ nợ mấy tháng trời rất là thương.
Bọn em cứ giải ngân, mỗi một đợt là 50 cô. Có những hôm nửa đêm có cô nhắn tin và gọi điện cho bọn em rồi khóc nói rằng, bây giờ mới biết đến chiến dịch và mong chiến dịch hỗ trợ. Bên cạnh đó có những bạn còn tưởng bọn em là lừa, còn gọi điện bảo là không biết có cho tiền thật không, hay lại là mua bán cái gì", chị Vân tâm sự.
Do nguồn kinh phí hạn chế nên nhóm của chị Vân phải thẩm định từng hồ sơ. Ưu tiên hỗ trợ trước những giáo viên đang bị dương tính với COVID-19, giáo viên đang ở vùng đỏ phong tỏa, hoặc giáo viên đang mang thai.
Đến nay chiến dịch đã hỗ trợ cho khoảng 371 giáo viên với số tiền gần 450 triệu. Số tiển hỗ trợ tuy ít ỏi, chỉ 1,2 triệu đồng/người, nhưng quan trọng hơn cả chiến dịch mong muốn giữ những cô giáo đó vẫn yêu nghề, vẫn đam mê nghề và tâm huyết ở lại.
Tại TP.HCM hiện nay, các cấp học đã triển khai học trực tuyến, tuy nhiên cấp mầm non thì chưa biết ngày được hoạt động trở lại, chính vì thế nhiều giáo viên mần non đang buộc phải xoay sở các nghề khác để mưu sinh, chờ đến ngày được đi làm.
Tác giả: THẾ QUANG
Nguồn tin: Báo VTC