Giáo viên nước ngoài thiếu nghiệp vụ mầm non

Admin
Bộ GD-ĐT đánh giá, nhiều giáo viên nước ngoài tham gia trong chương trình thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ, sư phạm mầm non.

Ngày 14/11, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết đánh giá 3 năm triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2016-2017, cả nước có 41/63 tỉnh, thành tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh với trên 192.000 trẻ tham gia. Nhiều tỉnh miền núi như Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai… cũng thực hiện thí điểm hoạt động này.

 Học sinh mầm non ở TPHCM trong giờ làm quen với tiếng Anh

Một số kết quả của chương trình thí điểm như ở Hà Nội có 232/1.056 trường tổ chức với trên 26.000 trẻ tham gia, TPHCM có trên 96.000 trẻ tham gia, chiếm 58% tổng số trẻ đến trường. Các tỉnh đánh giá trẻ rất háo hức với việc được làm quen với tiếng Anh, các em có thể phát âm những câu, từ, một một số bài hát… và phụ huynh rất ủng hộ.

Tuy nhiên, qua ghi nhận phản hồi từ các cơ sở, Bộ GD-ĐT cũng đánh giá chương trình còn gặp nhiều khó khăn như Bộ chưa có chương trình khung nên hầu hết các sở phải tự xây dựng lộ trình thực hiện, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa có quy định cụ thể về việc ký hợp đồng, tuyển dụng giáo viên tiếng Anh trong cơ sở giáo dục mầm non dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên…

Bộ cũng lưu ý đến vấn đề nhiều giáo viên nước ngoài tham gia hoạt động trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Đại diện các tỉnh thành kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm có văn bản hướng dẫn về tài liệu, chương trình, thời gian tổ chức Chú ý đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, có cơ chế tuyển dụng, hợp đồng giáo viên. Nhiều đại biểu cũng đề xuất nên đưa hoạt động làm quen với tiếng Anh vào chương trình chính khóa ở bậc mầm non.