Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội thảo "Thuế tài sản - Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam" dẫn một số ý kiến chuyên gia hiến kế về việc ban hành quy định về thuế tài sản.
Dự thảo Luật thuế tài sản mới đã bỏ ngưỡng đánh thuế nhà có giá trị 700 triệu đồng. Ảnh: NDH |
Hiện nay, thuế tài sản không còn là từ mới nhưng quy định về kê khai tài sản thế nào, ngưỡng chịu thuế bao nhiêu nếu không được chuyên gia góp ý sẽ dẫn tới tình trạng không rõ ràng, gây mâu thuẫn, mù mờ, khó áp dụng hoặc tình trạng thuế trùng thuế.
Bà Lê Thị Mai Liên, đại diện Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài chính thông tin, có đến 174/193 quốc gia đang thu thuế tài sản, với mức thu trung bình từ 3-4% tổng số thu thuế hàng năm ở các nước phát triển và thấp hơn ở các nước khác.
Nhiều nước đang có xu hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản, với mức thu không giống nhau. Dòng thuế này đóng góp tới khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chiếm khoảng 0,6% tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi nền kinh tế.
Bà Liên cho rằng, về đối tượng chịu thuế, cần quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất, nghĩa là vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế. Về giá nhà, đất để tính thuế, ngắn hạn, căn cứ theo khung giá nhà đất do UBND cấp tỉnh quy định; trung và dài hạn cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất trong đó, bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường.
Bà Liên khẳng định, ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh sửa nhiều nội dung trong đó bỏ ngưỡng đánh thuế nhà có giá trị 700 triệu đồng.
Chỉ nên đánh thuế nhà có giá trị lớn từ 5 tỷ đồng trở lên
Theo ông Trương Thanh Đức, Luật sư thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, "nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào, loại nào bằng không".
LS Trương Thanh Đức cho rằng, nhà đất chịu thuế tài sản cần được định theo giá thị trường chứ không phải theo giá quy định của cơ quan Nhà nước, thuế suất chỉ cần dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa theo vị trí hay diện tích nhà, chỉ nên đánh thuế nhà có giá trị lớn từ 5 tỷ đồng trở lên.
Ông Đức kiến nghị "thuế tài sản chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, chỉ đánh vào một số loại tài sản, có giá trị lớn, chẳng hạn, miễn thuế đối với một diện tích tối thiểu".
"Theo tôi, thuế tài sản chỉ cần tập trung vào tiêu dùng, cái không sử dụng, còn sản xuất kinh doanh đã có các loại thuế khác rồi. Hay như phí phát sinh giao dịch, ví dụ như phí trước bạ nhiều nơi là 20%, cao ngang bằng thuế rồi, nên cần phải loại trừ thuế tài sản trong trường hợp này.
Giả sử một người sở hữu 2 căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, một nhà ở, nhà còn lại cho thuê thì chả có lý do gì để đánh thuế nhà thuê vì đã phải nộp nhiều loại như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng" - LS Trương Thanh Đức lưu ý.
LS Trương Thanh Đức cho rằng, dữ liệu nhà, đất ở Việt Nam vẫn còn thiếu. Do đó, việc đầu tiên cần làm trước khi đưa ra Luật Thuế tài sản là phải có dữ liệu nhà, đất để đảm bảo công bằng. Điều này để tránh tình trạng “người có 10 cái nhà nhưng mức độ nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có 1 nhà”.
Ông Đức cũng đề xuất đánh thuế lũy tiến, cần có khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà và đất khi đánh thuế, không thể cào bằng với người có thu nhập thấp.
LS Trương Thanh Đức tại hội thảo. |
Dự thảo của Bộ Tài chính hiện tại đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% và với đất cũng là 0,4%. Tuy nhiên, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, nên có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp 5-10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản để tránh bất công. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên để mức thuế suất thấp, khoảng 0,1% và đưa luôn vào luật, mức thuế có thể tăng lên 0,3%-0,4% sau 10 năm.
“Cần có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp ít nhất 10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ví dụ, mức thuế thấp nhất là 0,1% và với người có nhiều tài sản, mức thuế ít nhất là 10%”, ông Đức đề xuất.
Để đóng thuế không phải là tận thu
Theo ông Trần Như Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần Chiến lược Quốc tế TR2 (TR2 International), nếu muốn người dân "vui vẻ" đóng thuế tài sản cần làm rõ quyền lợi mà người đóng thuế nhận được.
"Có mức thuế được áp dụng với cả những trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với tài sản (đất) thì thật sự không hợp lý" - ông Trung nhận định.
Ông Nguyễn Chí Dũng – Cố vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED), nguyên Tổng biên tập tạp chí nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội nhấn mạnh, để luật đi vào đời sống và nhận được sự đồng thuận, cần phải tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật. Ngoài ra, hệ thống thuế phải đảm bảo hành thu không quá tốn kém và phù hợp với khả năng quản lý.
"Điều này đòi hỏi cần phải có cơ sở dữ liệu chính xác, cơ quan quản lý phải biết được cá nhân này có bao nhiêu tài sản, trị giá mỗi tài sản đó là bao nhiêu... thì mới đánh được thuế tài sản" - ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.