Khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam cũng là cơ hội cho các ứng dụng khác trỗi dậy như Mai Linh, Vato, T.Net... Tuy nhiên, đến thời điểm này Grab gần như "độc chiếm" thị trường, đẩy người tiêu dùng và giới tài xế vào thế bị động.
Giá nhảy như "chứng khoán"
Theo một số khách hàng thường xuyên đi GrabTaxi ở TP HCM, kể từ sau khi mua lại Uber, giá cước taxi của Grab có tăng hơn chứ không chỉ tăng giờ cao điểm như trước. Chị Lam Giang (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết do nhà có con nhỏ nên chị thường đi taxi công nghệ, trước đây là Uber nhưng sau khi hãng này bán lại thị phần cho Grab thì chị không có nhiều sự lựa chọn. "Tôi thấy giá cước GrabTaxi tăng đáng kể, quãng đường rất ngắn nhưng tôi phải trả khoảng 80.000 đồng dù không phải giờ cao điểm. Hãng cũng ít khuyến mại cho khách hàng hơn trước" - chị Lam Giang nói.
Rất nhiều khách hàng lẫn tài xế than phiền về chất lượng, giá cả dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ sau khi Grab thâu tóm Uber Ảnh: TẤN THẠNH |
Ông Đỗ Văn Thành, chạy GrabCar thuê bằng xe Kia Morning, thừa nhận giá Grab gần đây tăng giảm vô tội vạ, không phải giờ cao điểm cũng tăng 50%-100% là bình thường. Còn giờ cao điểm giá đội lên gấp 2-3 lần. "Mỗi khi mưa to kéo dài, giá tăng gần 4 lần. Nhiều bác tài ví von Grab nhảy giá còn hơn chứng khoán nhảy múa trên sàn. Không ai biết trước giá tăng bao nhiêu lần trong một buổi chứ đừng nói ngày" - ông Thành chia sẻ.
Một tài xế GrabBike ở TP HCM cho biết trước đây đoạn đường Thống Nhất (quận Gò Vấp) đến Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) chỉ có 51.000 đồng thì nay cũng cung đường ấy phải mất 108.000 đồng.
Bà Trương Quỳnh Nga ở quận 1, TP HCM cho biết trước đây đi đâu cũng đặt Grab hoặc Uber nếu bên nào có khuyến mãi, giá tốt thì chọn. Còn bây giờ Grab không còn chính sách khuyến mãi cho khách nữa mà giá cước còn bị đẩy lên quá cao. Những lúc như vậy, bà chuyển sang đi taxi truyền thống, giá hơi đắt nhưng vẫn còn khá rẻ hơn so với Grab.
Trong khi đó, một số ứng dụng đặt xe mới như VATO, T.Net... đặt mục tiêu thế chân Uber thì đến nay vẫn chưa có nhiều người biết tới và sử dụng. Số lượng xe "đầu quân" cho các hãng này chưa nhiều và phần mềm thường xuyên gặp lỗi vặt khiến khách hàng ít tin tưởng. Chị Phương Anh (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết có thử vài lần đặt xe từ VATO nhưng chưa thành công. Có lần chị đặt nhưng không có xe, lần khác tài xế đã nhận cuốc nhưng nhắn lại là "định vị sai, xe đang ở xa lắm", buộc chị phải hủy chuyến. "Giá cước chuyến đi có rẻ hơn so với Grab nhưng số lượng xe ít nên phải chờ rất lâu, có khi gọi nhưng không có xe" - chị Phương Anh nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số tài xế sau một thời gian gia nhập VATO, T.Net đã âm thầm rút lui hoặc ít khi đưa xe vào hoạt động vì hiệu quả thấp. Họ cho biết những ứng dụng trên chưa thể nào sánh bằng Grab vì thường gặp trục trặc và ít khách sử dụng.
Tài xế chán nản
Việc Grab thâu tóm Uber và giành thị phần lớn tại Việt Nam nhiều tài xế chạy cho Grab kỳ vọng lượng khách và thu nhập của mình sẽ được cải thiện nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Anh Hưng, tài xế GrabTaxi chạy chiếc Hyundai Grand i10 ở TP HCM, cho biết kể từ sau khi Grab mua lại Uber, lượng khách đi xe không tăng mà còn giảm. Số chuyến bị khách hủy cũng nhiều hơn vì giá tăng quá cao. "Không ít lần tôi đang trên đường tới hoặc tới nơi rồi khách lại hủy chuyến. Xe này tôi vẫn đang phải trả góp tiền vay ngân hàng, trong khi thu nhập lại giảm nhưng vẫn ráng chạy thêm một thời gian xem sao" - anh Hưng chia sẻ.
Các bác tài GrabBike cho biết trước đây, mỗi ngày chạy được hơn 600.000 đồng, trừ chi phí xăng và trích 20% phí cho Grab cũng còn gần 300.000 đồng. Nay doanh thu giảm chỉ còn 400.000- 450.000 đồng, trừ xong các khoản còn lại chẳng bao nhiêu. "Thu nhập thấp như vậy nên đa phần tài xế chỉ chọn những cuốc xe có tuyến đường dài, có giá cao mới nhận. Từ đó, khách cũng bị phiền hà, còn Grab đẩy giá lên vô tội vạ" - anh Hồ Minh Khải chạy Grab cho biết như vậy.
Nhiều bác tài Grab cho biết trước đây khi còn Uber, họ được hưởng một số chính sách như tiền thưởng nếu đạt được sự hài lòng của khách, từ 2 tháng trở lại đây hầu như không được Grab hỗ trợ gì, "đến cái áo họ cũng thu tiền 100%". Trong khi Uber hỗ trợ cho tài xế rất nhiều, ngoài tiền thưởng còn được trang bị nhiều thứ khác. Nếu gặp kẹt xe mà chạy tuyến đường khác xa hơn, vẫn được Uber hỗ trợ thêm 10.000-15.000 đồng.
Anh Nguyễn Đức Vinh, trước là xe ôm công nghệ hợp tác với Uber, nhận xét các chính sách của Uber cân bằng giữa khách hàng và tài xế khi hệ thống bình chọn xếp hạng sao (từ 1 đến 5 ngôi sao) áp dụng cho cả hai. Điều này có nghĩa nếu khách hàng không tốt ("xù" tiền xe, thường xuyên hủy chuyến, đòi hỏi quá đáng) sẽ có xếp hạng thấp, khả năng gọi được xe sẽ khó hơn, trong khi Grab chỉ cho khách hàng nhận xét tài xế. Grab còn đưa ra rất nhiều quy định để phạt và cắt tài khoản của đối tác nên nếu tài xế muốn kiếm cơm phải nỗ lực "chiều khách" để nhận được 5 sao của khách.
"Nếu tài xế hủy chuyến trên 10% hay nhận chuyến dưới 90% sẽ không được tham gia các chương trình thưởng của Grab, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Còn chuyện chạy ngoài để khỏi phải trả hoa hồng cho Grab thì rủi ro cũng rất lớn vì chỉ cần bị lực lượng kiểm soát nội bộ phát hiện sẽ bị khóa tài khoản. Grab có đội ngũ giả dạng khách hàng để "bẫy" lòng tham của tài xế" - tài xế này bộc bạch.
Nhiều tài xế xe Grab than phiền họ không muốn gắn bó lâu dài với hãng này do cách đối xử của họ quá tệ với đối tác.
Grab vẫn bảo đảm lợi ích các bên Đại diện Grab Việt Nam cho biết đối với các dịch vụ GrabCar và GrabBike, giá tiền chuyến đi vẫn dựa theo hành trình di chuyển mà khách hàng nhập, cộng với phụ phí giá linh hoạt dựa trên nhu cầu đi lại và lượng xe hiện có trong khu vực vào thời điểm khách đặt xe, cũng như thời gian ước tính cho cả hành trình. Điều này bảo đảm lợi ích cho cả đối tác tài xế và khách hàng bởi nó giúp cân bằng giữa nhu cầu đặt xe và số lượng xe, đồng nghĩa giá tiền chuyến đi sẽ thấp hơn ở khu vực có nhu cầu đặt xe thấp và ngược lại. Cũng theo vị đại diện này, giá cước của từng dịch vụ kết nối vận chuyển đang có được hiển thị rõ ngay trên ứng dụng Grab, khách hàng có thể so sánh và lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất với ngân sách, nhu cầu di chuyển của mình. Giá cước trên ứng dụng Grab không thay đổi trong suốt chuyến đi, khách hàng chỉ cần trả đúng mức phí này và an tâm với hành trình. |