GS. Ngô Bảo Châu đứng lớp dạy trực tiếp tại Huế

Admin
Trong ba tháng ở Việt Nam (tháng 7, tháng 8, tháng 9), GS. Ngô Bảo Châu kín lịch hoạt động. Tuy nhiên, GS. sẽ đứng lớp dạy trực tiếp cho một nhóm học viên cao học tại trường ĐH Huế.

 

GS. Ngô Bảo Châu cho biết đầu tháng 9, ông sẽ vào Huế đứng lớp trực tiếp giảng dạy một nhóm học viên cao trong khoảng thời gian hai tuần. Cách đây hơn 10 năm, ông đã từng đứng dạy một lớp tương tự ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng ngày đó thời gian dạy kéo dài hơn.

“Bây giờ tôi muốn dạy lại. Được trực tiếp đứng lớp cũng có cái thú vị đối với những người làm nghiên cứu. Hơn nữa, so với miền Bắc, miền Nam, thì miền Trung vẫn là một vùng trũng về Toán, khoa học cơ bản” – GS. Ngô Bảo Châu cho hay.

Vốn kiệm lời trong chia sẻ công việc, nhưng GS. Ngô Bảo Châu cũng bất mí sẽ đưa một số sinh viên từ Hà Nội, TP. HCM về học cùng.

“Tôi cũng không hy vọng tất cả những học viên tôi dạy đều trở thành nghiên cứu sinh. Chỉ cần có 1, 2 em đi theo hướng đó là quý rồi. Đây là cách trang bị kiến thức cho các em khác” – GS. Ngô Bảo Châu nói.

Với công việc của mình bên Mỹ, GS. Ngô Bảo Châu cho biết ở bên đó, ông ít đi dạy. Chủ yếu dành thời gian đào tạo nghiên cứu sinh và nghiên cứu khoa học. 3 năm vừa qua, có 4 nghiên cứu sinh đang hoàn thành luận án dưới sự hướng dẫn của giáo sư.

 Có một cách đơn giản, tiết kiệm để hướng nghiệp

Nói về vườn ươm tài năng Talinpa, GS. NGô Bảo Châu cho biết thời gian qua, Vườn ươm tìm hướng đi và hiện tại đã chọn được con đường hoạt động. Đó là tổ chức các lớp hoạt động hướng nghiệp. Hiện đã có các lớp hướng nghiệp về kiến trúc, về Code. GS. Châu hy vọng thời gian tới có nhiều lớp học hướng nghiệp ở lĩnh vực khác. Đây là các lớp học mở. Những người dướng nghiệp là những người trong nghề nên truyền tình yêu nghề của họ cho học sinh nhưng không đòi hỏi thời gian quá nhiều.

GS. Ngô Bảo Châu cho rằng hướng nghiệp là công việc quan trọng. Đa số phụ huynh Việt Nam không dành đủ thời gian để nghiên cứu, đối thoại, nói chuyện với con em về hướng nghiệp. Phần lớn cha mẹ lựa chọn nghề cho con dựa trên thông tin báo chí, kinh nghiệm của bản thân, bạn bè. Chính vì vậy, họ hướng con đến các ngành thời thượng mà không biết nhiều về ngành đó.

Trong khi đó, dư luận lại quá quan tâm về thi cử. Có lẽ chúng ta chỉ biết cải cách về thi cử mà không biết phải cải cách nhiều vấn đề khác. Như vấn đề cải tổ quản trị ĐH để hy vọng ĐH chuyển mình.

Trước khi thi ĐH, định hướng nghề nghiệp phải được hình thành từ lớp 11, 12, không phải đợi đến khi có điểm rồi mới lựa chọn vào trường nào, học ngành nào.

Chúng ta lựa chọn ngành dựa vào điểm thi. Do đó, nên định hướng nghề nghiệp hơn là thi cử.

GS.Ngô Bảo Châu cũng đưa ra giải pháp giải quyết bài toán hướng nghiệp một cách hiệu quả, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm thời gian. Đó là trong mỗi lớp đều có hội phụ huynh. Hội phụ huynh sẽ đứng lên tổ chức các buổi nói chuyện hướng nghiệp. Những người thành công với nghề có thể truyền đam mê cho các cơn. Sau đó sẽ đưa học sinh đến tham quan cơ sở làm việc.

“Như thế, bản thân học sinh được tiếp xúc trực tiếp công việc hàng ngày của một nghề nào đó, các em sẽ có chính kiến, lựa chọn sau này. Sự tò mò của trẻ được kích thích thì chính học sinh sẽ đi tìm hiểu. Lúc đó sẽ cần những lớp, những kinh phí đầu tư lớn hơn” - GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ. Và những lớp hướng nghiệp kiểu này không phải đợi lên lớp 11, 12 mà có thể làm từ ngay khi học sinh đang học THCS.