“GS Xoay” Đinh Tiến Dũng bàn luận vui quanh chuyện “đàn ông lười”

Admin
Trong chương trình “Café Sáng với VTV3”, Nhà báo Đỗ Hồng Cư và nhân vật “Cù Trọng Xoay” của chương trình “Hỏi xoáy, đáp xoay” đã bàn luận khá nhiều về chủ đề “đàn ông lười”. Những quan điểm cá nhân của \"GS. Xoay\" đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Mở đầu buổi trò chuyện, Nhà báo Đỗ Hồng Cư “truy vấn” về nick name “Dũng đê tiện” gắn kèm với cái tên Đinh Tiến Dũng. Đinh Tiến Dũng cho biết, sở dĩ anh có nick name “Dũng đê tiện” là vì email ở cơ quan anh có chữ "đt" đằng sau nên nhiều người gọi vui là “đê tiện”.

“Thực ra, chữ “đt” có thể dịch ra rất nhiều nghĩa như: đẹp trai, đa tài… đại khái toàn những thứ hay ho cả. Nhưng khi chúng ta nói như vậy chẳng ai tin cả. Nếu giới thiệu “Dũng đẹp trai” người ta sẽ bảo “Thằng này chắc phải xấu lắm thì nó mới nghĩ thế” hoặc "đa tài" thì nghĩ “Thằng này chắc bất tài lắm thì người ta mới nghĩ thế”... Nhưng khi tôi để là Dũng "đê tiện" thì tôi nhận ra là có rất nhiều cái hay. Khi mình chọn một điểm xuất phát rất thấp thì nhìn lên thấy có rất nhiều thứ có thể làm được.

Mỗi một ngày, chỉ cần tiến bộ một chút thôi thì đối với mọi người đã là điều đáng ghi nhận. Còn nếu mình ở một mức cao thì ngày nào cũng phải giữ ở mức cao ấy, chỉ cần hơi thấp một chút thì là có vấn đề", Đinh Tiến Dũng nói.

Nhân vật Đinh Tiến Dũng trò chuyện trong chương trình "Café Sáng với VTV3". Ảnh: VTV. 

Nhân vật GS. Xoay của “Hỏi xoáy, đáp xoay” kể rằng, có một người anh đã khuyên anh thời mới cưới vợ rằng, phải nhớ nguyên tắc học sinh giỏi và học sinh kém. Đừng bao giờ là học sinh giỏi, hãy là học sinh kém. Bản thân anh không hiểu điều này lắm vì thời đi học bố mẹ suốt ngày động viên phải là học sinh giỏi, nếu không bố mẹ sẽ rất buồn. Vậy tại sao lấy vợ lại là học sinh kém?

“Ông ấy bảo thế này: “Nếu chú lúc nào cũng tốt, mua quà, lãng mạn, tặng hoa, nến... đến một ngày, đùng một phát, chú có việc gì đấy, chú không làm được như vậy, tức là chú đang là học sinh giỏi, chú được điểm 9, 10, 9, 10… đến một ngày chú được 7 thì đó là thảm họa. Thế nhưng nếu chú là học sinh kém, chú lười biếng, chú lười tắm, chú ngại ngần mọi chuyện, chú có thể quên ngày này, nhớ ngày kia…

Đùng một phát, một ngày chú tặng một bông hoa, vợ chú sẽ sướng lên mây. Tức là mình là học sinh kém với điểm 4, 5, 4, 5 nhưng đùng một phát mình lên 7, cũng là điểm 7 thôi nhưng nó khác vô cùng với điểm 7 của những người vẫn được 9, được 10. Đấy cũng là cách mà vì sao tôi thấy lấy tên “Dũng đê tiện” là hợp lý", Đinh Tiến Dũng bày tỏ.

Nhà báo Đỗ Hồng Cư cho rằng, chị cảm thấy có những “ẩn ý” phía sau cái tên “Dũng đê tiện”, Đinh Tiến Dũng giải thích, anh lười làm nhưng lại chăm chỉ với cuộc sống của mình. Anh thích đón nhận và quan sát mọi thứ nhưng để làm thì sẽ chọn làm ít nhất có thể để còn có thời gian quan sát những thứ khác.

“Từ ngày tôi có nick name “đê tiện” thì từ “đê tiện” trong nhà tôi lại mang ý nghĩa tốt. Nhiều khi vợ chồng đang ăn cơm mà thấy diễn viên trên tivi chửi là “đồ đê tiện” thì phì cả cơm ra vì buồn cười”, Đinh Tiến Dũng nói thêm.

Nói về người đàn ông lười, GS Xoay giải thích rằng, lười ở đây là vì không chăm chỉ những việc mọi người nghĩ mình nên làm.

“Có những người có thể không thích dọn nhà nhưng lại nghĩ ra được nhiều cái khác. Chẳng hạn, nhà bác học Einstein ngày xưa không nhớ nổi tên con ông ấy nhưng ông ấy lại phát minh ra thuyết tương đối.

Có một lần tôi đi ăn tiệc, thằng con quấy quá nên tôi bế nó. Có một anh, anh nói: “Đàn ông đàn ang mà chú lại đi bế con thế này à, phải để cho vợ nó bế, chú ngồi mà uống rượu”. Đấy, đấy là truyền thông đấy. Có nhiều ông cứ nghĩ, mình là đàn ông sao lại phải bế con nhỉ. Đàn ông bế con có sao đâu, mình là đàn ông, khoẻ hơn phụ nữ nên bế con tốt hơn phụ nữ, mình bảo vệ con chắc chắn hơn. Nhưng vấn đề là truyền thông nói vậy.

Nếu hiểu theo nghĩa đó, tức là buổi sáng chúng ta được quyền ngồi uống cà phê, nhìn người đi qua một cách vô cảm và chiêm nghiệm về cuộc đời “À, cuộc đời đúng là bon chen, đông đúc thật”, xong giật status rồi đi về.

Tôi nghĩ, nếu để cho cuộc sống vui vẻ ta nên bắt đầu từ hai phía. Từ phía đàn ông cũng nên chủ động giúp đỡ công việc. Từ phía phụ nữ cũng nên cố gắng khéo léo biến công việc thành niềm vui. Ví dụ: “Anh dẫn con đi chơi đi, lúc con nó chơi thì anh tranh thủ uống cà phê nhé!”. Đàn ông thực ra cũng là một đứa trẻ con mà thôi. Nếu phụ nữ khéo léo, thay vì gào lên “Giời ơi, anh có biết là tôi đi làm vất vả có kém gì anh không mà anh nằm phền phễn ở đây xem tivi” hãy nói câu gì đó khéo léo. Đúng là đôi khi để cuộc sống vui hơn, cũng cần nghệ thuật của cả hai người. Mỗi người đều có những khoảng lười”.

Theo nhân vật Đinh Tiến Dũng, mỗi người sẽ có một năng lực đặc biệt trong nhà, đại khái là nếu vợ biết sửa điện thì chồng đi giặt quần áo. Chứ hai người cùng sửa điện cả sẽ chẳng có ai đi giặt quần áo. Nên tạo cho nhau một khoảng để họ được quyền chăm chỉ trong lĩnh vực họ giỏi, đừng cướp mất cơ hội.