Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, sẽ có khoảng 60% - 62% số học sinh sẽ được tuyển vào trường THPT công lập, số còn lại sẽ vào các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trong đó các trường công lập sẽ tuyển từ 60.900 đến 62.900 học sinh, giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018 - 2019, các trường ngoài công lập tuyển 20.300 học sinh. Tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 10.100 học sinh, số còn lại vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nhằm giảm tải gánh nặng tuyển sinh của trường công, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: Với các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn cho phép các trường được giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm học 2018-2019. Như vậy, ở năm học 2019-2020, các trường này vẫn có thể tuyển sinh học sinh vào lớp 10 THPT bằng kết quả học tập, rèn luyện của HS ở 4 năm học cấp THCS.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã sớm công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019- 2020, nhiều phụ huynh và học sinh đã lo lắng bởi sẽ phải ôn thi quá nặng và gặp phải nhiều áp lực khi số môn thi tăng gấp đôi.
Năm nay số thí sinh thi vào lớp 10 của Hà Nội giảm hẳn, nhưng áp lực của cuộc thi không vì thế mà ít đi. Ảnh: T.F |
Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho hay: Hiện tại trong chương trình giáo dục THCS vẫn đòi hỏi các em học sinh phải học đều khoảng 14 bộ môn. Học sinh chỉ thi 4/14 bộ môn thì không phải là nhiều và cũng không quá tải. Dẫu thế, để giảm áp lực cho các em, ông Toản cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có định hướng về yêu cầu, kiến thức kỹ năng về đề thi, hình thức thi và thời gian dự thi. Đối với nội dung đề thi, Sở yêu cầu phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình của Bộ GD&ĐT đã ban hành từ năm 2008 đến nay. Các câu hỏi được sắp xếp với các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu; một số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp. Những nội dung này hoàn toàn theo chuẩn chương trình, SGK hiện tại. Học sinh không phải quá vất vả mà chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK là có thể làm tốt được bài. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, dù thay đổi cách thi tuyển nhưng kế hoạch dạy và học ở các nhà trường không có gì thay đổi.
Việc siết chặt các điều kiện tuyển sinh lớp 10 cũng được Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện trong năm nay. Mới đây, GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ra quyết định số 227/QĐ-SGDĐT, về việc sẽ thành lập ba đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn sẽ thực hiện theo đúng quy chế tuyển sinh, quy chế tổ chức và hoạt động của trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo lịch trình cụ thể, thời gian kiểm tra điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT Hà Nội dự kiến kéo dài từ 19-2 đến hết ngày 28-2. Năm học 2019-2020, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội có nhiều thay đổi so với các năm trước. Thay vì tuyển sinh kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ, từ năm 2019, việc tuyển sinh sẽ chỉ dựa trên kết quả thi tuyển. Thời gian thi diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 2 và 3-6.