Trong nước

Hà Tĩnh: Dân tố lò giết mổ biến lợn lành thành què

Nhiều hộ dân ở xã Gia Phố và xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh) phản ứng lò giết mổ gia súc tập trung vì cho rằng lò mổ gây ô nhiễm, biến lợn lành thành lợn què.

Ông Võ Tá Hà (trú xã Hương Long, Hương Khê) cho biết, hiện trong lò giết mổ gia súc tập trung đóng tại xã Gia Phố đang có khoảng 6 con lợn có dấu hiệu nhiễm dịch lở mồm long móng.

"Lợn chúng tôi đưa vào đây có giấy tiêm phòng đầy đủ. Lúc đưa vào thì bình thường, nhốt tại lò một thời gian thì thành lợn què, bong tróc móng, miệng lở loét", ông Hà nói.

Ông Lưu Tuấn Anh (40 tuổi, trú xã Hương Thủy) phản ánh, lúc đưa vào lò giết mổ 5 con lợn khỏe mạnh. Trong 2 ngày anh làm hết 4 con, con còn lại hôm nay mang ra làm thì lợn không đi lại được, phải bò bằng khuỷu chân.

Người dân cho rằng lò mổ gây ô nhiễm khiến lợn bị nhiễm dịch

Cán bộ thú y đang kiểm tra đàn lợn tại lò mổ

"Lúc tôi đưa lợn vào lợn đang rất bình thường. Cán bộ thú y huyện đã đóng dấu kiểm dịch cho giết mổ. Vậy mà giờ lại nhiễm bệnh”, ông Anh nói.

Các tiểu thương cho rằng lò mổ ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh, ruồi nhặng nhiều là nguyên do phát sinh dịch.

Theo quan sát, tại lò giết mổ bốc mùi hôi thối, nước dùng mổ lợn có màu đỏ đục, ruồi nhặng bâu kín cành cây xung quanh khu vực gần lò.

Ông Lê Đình Nam, chủ lò giết mổ tập trung xã Gia Phố cho biết, ngay khi người dân phản ánh việc tái phát dịch lở mồm long móng, ông đã báo cáo lên thú y huyện và chính quyền về kiểm tra.

"Tôi chỉ có trách nhiệm kiểm đếm số lợn, bảo vệ và nấu nước cho những người làm thịt lợn. Còn lợn dịch bệnh hay không thì đang đợi cơ quan chức năng gửi mẫu xét nghiệm. Còn lò mổ thì đã đảm bảo vệ sinh và phun thuốc khử trùng", ông Nam nói.

Ông Nguyễn Minh Long, Trưởng trạm thú y huyện Hương Khê cho biết, hiện có 2 con lợn đi lại không bình thường, các đế chân bị thâm, đã được lấy mẫu để kiểm tra.

Ruồi nhặng bâu kín cây cối xung quanh lò mổ

"Theo quy định, trước khi đưa lợn vào lò giết mổ phải có giấy tiêm phòng đầy đủ mới được đưa vào lò. Nhưng thời điểm hiện tại thì tỷ lệ tiêm phòng rất thấp.

Để cho công suất lò hoạt động theo quy hoạch của tỉnh thì anh em có thể nới lỏng một chút, chỉ kiểm tra bằng mắt thường trước khi cho lợn vào", ông Long nói thêm.

Theo ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, đã cử cán bộ đến lò giết mổ để kiểm tra, làm rõ thông tin trên.

Được biết, tháng 9/2017 tại lò giết mổ tập trung này đã xảy ra dịch lở mồm long móng, dịch bệnh lây lan nhanh khiến lợn của dân chết hàng loạt.

Tác giả: Thiện Lương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP