Trong nước

Hà Tĩnh: Tòa 3 cấp phán quyết, chủ tịch huyện vẫn bảo ‘án lỗi’

Một bản án dân sự được tòa án các cấp ra phán quyết, nhưng suốt nhiều năm liền, cơ quan thi hành án, UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) không thi hành.

Trong khi các cơ quan thực thi pháp luật im lặng thì hộ dân này lại tiếp tục khai thác trên đất được toà án phân xử.

Ba lần thua kiện vẫn chiếm đất

Năm 2009, công ty TNHH MTV cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) thực hiện san ủi để trồng rừng trên diện tích 7ha thuộc lô 17, khoảng 6, tiểu khu 200, xã Hương Giang, huyện Hương Khê (đã được UBND tỉnh cấp).

Lúc này xảy ra tranh chấp với hộ gia đình ông Lê Hữu Chí (xóm 6, xã Hương Giang) khi ông Chí tổ chức một số người đến chiếm diện tích rừng này, đào hố trồng keo.

Công ty đã phối hợp chính quyền các cấp đứng ra hòa giải nhưng bất thành. Đến ngày 2/8/2010 công ty cao su Hương Khê chính thức có đơn khởi kiện hộ ông Chí.

Ngày 27/5/2011, TAND huyện Hương Khê tuyên buộc ông Lê Hữu Chí di dời toàn bộ số cây keo, trả lại mặt bằng cho công ty. Công ty cao su tự nguyện hỗ trợ cho ông Chí số tiền 25 triệu đồng di dời cây.

Sau nhiều năm bản án không được thực thi, ông Chí lại tiếp tục khai thác keo trên diện tích bản án đã tuyên

Sau bản án sơ thẩm, ông Lê Hữu Chí đệ đơn kháng cáo. Ngày 28/8/2011, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm buộc ông Chí phải trả lại mặt bằng diện tích 7ha cho công ty cao su Hương Khê.

Ông Chí không chấp nhận thua kiện, tiếp tục gửi đơn kháng án lên TAND Tối cao. Đến ngày 2/6/2014, TAND Tối cao đã có thông báo giải quyết đơn đề nghị của ông Chí.

Thông báo khẳng định: Không có cơ sở xác định ông Chí đã được giao phần đất 7ha từ năm 1992, mà đất này thuộc quyền sở hữu của công ty cao su Hương Khê nên việc ông lấn chiếm đất và trồng cây trên đất của Hương Khê là không đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã buộc ông bà phải di dời cây keo để trả lại đất cho công ty Hương Khê, ghi nhận việc công ty tự nguyện hỗ trợ cho ông Chí 25 triệu đồng chi phí di dời cây là phù hợp. Do đó, không có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Chưa thi hành án vì phát hiện “lỗi”?

Sau 2 năm thua kiện, ông Lê Hữu Chí không những không giao đất cho doanh nghiệp. Ông cũng nhiều lần có hành vi chống đối, cản trở những người thực thi pháp luật, tỏ thái độ bất hợp tác trong các buổi làm việc với cơ quan chức năng.

Mới đây nhất, đầu tháng 8/2016, ông Chí đã tự ý khai thác và trồng keo mới trên diện tích đất đã được toà phân xử.

Trước hành động cố tình chây ỳ, coi thường pháp luật của hộ ông Chí, cuối năm 2014 UBND huyện, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Hương Khê ra quyết định “cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất” đối với hộ ông Chí.

Thế nhưng không hiểu sao đã qua 2 năm, UBND tỉnh, Cục THA dân sự tỉnh Hà Tĩnh năm lần bảy lượt chỉ đạo các cơ quan THA Hương Khê thực hiện cưỡng chế nhưng điệp khúc “trên bảo dưới không nghe” vẫn kéo dài đến tận hôm nay.

Lý giải vấn đề trên, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nói: “Sở dĩ chưa thi hành án là vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm có sự vênh nhau trong việc áp dụng luật Đất đai năm 2003 và 1993 để xét xử; bản án sơ thẩm ghi yêu cầu ông Chí phải di dời cây và nói vị trí ranh giới rõ ràng nhưng phúc thẩm lại không ghi và không nói rõ vị trí ranh giới. Ngoài ra một số tình tiết chưa được xem xét”.

Theo ông Huấn, lỗi này ông mới phát hiện ra đầu năm 2016 và đã báo cáo lên tỉnh. Hiện đang tiếp tục làm báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan chức năng Trung ương.

Trước khi ông Huấn có phát hiện trên, ngoài toà án 3 cấp phán quyết, thì các cấp, ban ngành ở Hà Tĩnh, Thường trực Huyện uỷ Hương Khê đều đã có văn bản chỉ đạo thi hành bản án. Mới đây nhất là văn bản 1128 của UBND tỉnh do Phó chủ tịch Nguyễn Hồng Lĩnh ký, yêu cầu Cục Thi hành án chỉ đạo Chi cục thi hành án tổ chức thực hiện.

Luật sư Phan Văn Chiều, văn phòng luật sư An Phát cho biết, một số cá nhân có thẩm quyền cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm có sự vênh nhau nên không thể THA chỉ là lý do nguỵ biện, trốn trách việc thực thi nhiệm vụ.

Sai sót ở bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh chỉ là về lỗi chính tả, nội dung giải quyết của vụ án qua 2 bản án đều có sự thống nhất.

Cụ thể, bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đánh máy sai căn cứ áp dụng pháp luật từ năm 2003 thành năm 1993, trích dẫn các điều 5, 9, 10, 15, 105, 107 đều thống nhất với bản án sơ thẩm. Lỗi này chỉ cần có văn bản đề nghị thì TAND tỉnh Hà Tĩnh sẽ giải thích, đính chính; sai sót này không ảnh hưởng đến nội dung giải quyết vụ án.

Tác giả bài viết: Lê Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP