Hải Phòng: Bất thường trong 2 vụ tai nạn chết người tại cầu cảng cá Hạ Long

Admin
Trong đầu năm 2018, 2 vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra gây chết người tại khu vực cảng cá Hạ Long (thuộc phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Điều lạ, mặc dù đều để chết người, nhưng cầu cảng vẫn hoạt động bình thường. Nguyên nhân sự cố này do đâu? Phải chăng do quá trình xây dựng cầu cảng kém chất lượng?

 Hiện trạng cầu cảng cá Hạ Long, nơi xảy ra những vụ tai nạn thương tâm.

Nhưng điều lạ và bất thường ở đây là ông Nguyễn Huy Hiền - Giám đốc chi nhánh Cty TNHH MTV thủy sản Hạ Long – Cảng cá Hạ Long lại là em ruột của ông Nguyễn Huy Viễn - Giám đốc Cty TNHH MTV thủy sản Hạ Long.

Để em trai mình được “thỏa quyền tự quyết”, ông Nguyễn Huy Viễn đã ký giấy ủy quyền cho “Giám đốc Hiền” toàn quyền quyết định việc đầu tư, xây dựng cảng cá này cũng như các hoạt động tài chính khác, bất chấp các quy định của pháp luật, Luật Phòng chống tham nhũng. Ai chống lưng, thao túng cho doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn này làm liều?

Liên tiếp xảy ra tai nạn chết người

Trao đổi với phóng viên, một số cán bộ (xin được giấu tên) của Cty TNHH MTV thủy sản Hạ Long bức xúc cho biết: Trong tháng 1 và tháng 2/2018, tại khu vực cầu cảng cá Hạ Long nơi truyền tải, bốc dỡ hàng hóa vào nội địa đã liên tục xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.

Nguyên nhân chủ yếu là do máy móc thuê mướn cũ kỹ, lạc hậu… dẫn đến hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Tuy nhiên, không thấy cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng khởi tố, điều tra vụ án.

Thậm chí, có vụ án xảy ra vào ngày 7/2/2018, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng còn “quên” kết luận. Khi được hỏi, nhiều cán bộ đều khẳng định, có sự bao che, dung túng và cố ý làm trái các quy định tại Cty này từ thời quản lý, điều hành của ông Nguyễn Huy Viễn (Giám đốc) để lại. Đã đến lúc cần phải thanh tra, kiểm toán trong toàn Cty, nhằm đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước cũng như sự thượng tôn của pháp luật.

Qua điều tra, phóng viên được biết: Những tố cáo của những người cán bộ công nhân viên của Cty là có cơ sở. Vào khoảng 21h, ngày 16/1/2018, tại cầu cảng cá Hạ Long, thuộc địa chỉ số 1, Lê Thánh Tông, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, trong lúc đang bốc dỡ sắt thép lên tàu Exellent Pescadores, quốc tịch Panama, không hiểu ai sai, ai đúng mà chiếc xe nâng do Trần Mạnh Hiệp lái đã “bép” vào anh Nguyễn Văn Hoàng. Khiến nạn nhân Nguyễn Văn Hoàng đã tử vong ngay sau đó.

 Dàn máy móc lạ được cho thuê để làm công tác bốc dỡ hàng hóa.

Điều lạ, thay vì khởi tố vụ án, điều tra làm rõ, thì trách nhiệm này được giao cho Đoàn thanh tra, do cho ông Tăng Tiến Sơn - Chánh thanh tra sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng làm trưởng đoàn. Và kết quả của việc điều tra này là “đổ lỗi” cho người đã chết là ông Nguyễn Văn Hoàng với lý do chạy ngang sát xe nâng khi xe đang lùi…

Còn ông Nguyễn Huy Hiền - Giám đốc Cảng cá Hạ Long thì chỉ bị nhắc nhở chung chung…

Vụ việc này chưa xong, tiếp đó, và khoảng đầu tháng 2/2018, cũng tại khu vực này lại xảy ra 1 vụ tai nạn khác, khiến cho nạn nhân Hoàng Văn H (quê Nam Định) tử vong.

Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị L, vợ ông H bức xúc cho biết: Hôm đó, bà đang ở nhà thì thấy thông báo của Cty rằng, ông H bị tai nạn ở cảng cá Hạ Long và đang cấp cứu.

Vào viện thì chồng bà đã mất từ bao giờ. Quá cay đắng mà chẳng biết kêu ai. Sau đó, gia đình bà được một đơn vị là phía cầu cảng đến đền bù cho số tiền là 300 triệu đồng. Kể từ đó đến nay, sự việc đã chìm vào quên lãng… Tuyệt nhiên không thấy cơ quan chức năng nào hỏi đến nữa.

Các cơ quan chức năng ở đâu?

Qua điều tra, phóng viên được biết: Suốt từ năm 2007 đến năm 2016, khi ông Nguyễn Huy Viễn nghỉ hưu, toàn bộ chi nhánh cảng cá Hạ Long (trực thuộc Cty TNHH MTV thủy sản Hạ Long), có địa chỉ tại số 1, Lê Thánh Tông, phường Máy Tơ, đều do ông Nguyễn Huy Hiền là em ruột của ông Viễn phụ trách. Các hoạt động thu chi, tài chính tại bến cảng này đều có những khuất tất, mờ ám, đáng ngờ. Đặc biệt trong khâu đầu tư xây dựng, nạo vét luồng lạch…

Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Phạm Gia Yên (Thành viên Hội đồng Trọng tài Quốc tế, Hội Luật gia Việt Nam) phân tích: Ở vụ việc này, việc anh trai làm giám đốc mà lại bổ nhiệm em trai làm giám đốc một đơn vị chi nhánh là có “vấn đề” nghiêm trọng rồi.

Trong Điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định rất rõ: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ, chồng, bố mẹ, anh chị em, con ruột của mình giữ chức vụ quản lý…

Đằng này, Cty TNHH MTV thủy sản Hạ Long là doanh nghiệp của Nhà nước, trực thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại để xảy ra chuyện này trong nhiều năm liền là việc bất thường, chưa nói đến các hoạt động thu chi tài chính, các hoạt động bốc dỡ hàng hóa, cảng cá hoạt động như thế nào, ra làm sao mà thiếu sự quản lý sát sao của các cấp trên… thì trách nhiệm thuộc về ai? ai phải chịu trách nhiệm, tiến sỹ Phạm Gia Yên lập luận.

Liên hệ về sự bất thường trong 2 vụ tai nạn lao động do máy móc cũ kỹ, lạc hậu gây nên tại cầu cảng Hạ Long, ông Tăng Tiến Sơn - Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho hay: Đúng là có 2 vụ việc tai nạn lao động xảy ra tại đây.

Vụ 1, nạn nhân là anh Hoàng thì đã có kết luận, còn vụ thứ 2 thì mới có dự thảo và đợi khi nào xong hồ sơ, chữ ký với công bố. Ông Sơn cũng không lý giải được trước câu hỏi: Tại sao vụ việc xảy ra từ đầu tháng 2, mà trải qua 4 tháng rồi vẫn chưa có kết luận, hay có khuất tất ở đây?

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết, đứng trước những tình trạng thao túng doanh nghiệp, khuất tất về tài chính, tập thể cán bộ công nhân viên Cty TNHH MTV thủy sản Hạ Long đã làm đơn tố cáo gửi đến nhiều cơ quan chức năng, kể cả là Ban Nội chính thành ủy Hải Phòng.

Tuy nhiên, có nơi thì cử người đến, có nơi tiếp xúc, nhận đơn rồi lại làm ngơ… Đã đến lúc các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc, thanh tra, kiểm toán tại doanh nghiệp trực thuộc Nhà nước này trước khi quá muộn.