Cô trò Trường Tiểu học Thủy Triều trong giờ học. |
Tuy nhiên, đến nay bộ tài liệu này chưa được phát hành chính thức tại các cơ sở giáo dục khiến các trường gặp khó khăn khi triển khai môn học.
Thầy Phạm Ngọc Tân - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Thái, huyện An Dương - cho hay: Do không có giáo viên phụ trách nên môn học Ngoại ngữ 2, nhà trường chưa triển khai được. Còn môn học Giáo dục địa phương đã được giảng dạy theo thời khóa biểu môn học.
Tuy chưa có tài liệu giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh nhưng bám theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các thầy cô tự xây dựng nội dung giảng dạy theo 4 môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GD công dân. Tổ chuyên môn cùng nhau xây dựng bài giảng và phân cho giáo viên phụ trách môn học của từng lớp để giảng dạy.
Từ hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT, chuẩn bị chu đáo bài dạy cho học trò, cô Mai Trang – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Đồng Thái cùng đồng nghiệp lên mạng tìm sách điện tử để tham khảo, soạn bài, đồng thời định hướng tài liệu cho học sinh tham khảo trước ở nhà.
Trường Tiểu học Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên năm học này có 238 học sinh lớp 1 và 258 học sinh lớp 2. Nhà trường thực hiện chương trình thay sách còn nhiều khó khăn do điều kiện dịch bệnh. Đặc biệt, học sinh lớp 1 có nhiều thiệt thòi do không có thời gian học tuần “0”, lớp 2 năm nay cũng bị gián đoạn kiến thức từ năm trước do nghỉ dịch, nên tranh thủ “thời gian vàng” các tuần đầu năm học nhà trường chủ yếu dạy những kiến thức cơ bản.
Thầy Phạm Quang Tâm - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Từ tuần 5 trở đi, nhà trường trở lại thời khóa biểu học bình thường. Các môn học đều được sắp xếp thời khóa biểu hợp lý và thuận lợi. Với môn Giáo dục địa phương do chưa có tài liệu, thầy cô giáo triển khai lồng ghép các môn học khác như Trải nghiệm, Hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Giáo viên chủ nhiệm các lớp dựa vào tài liệu tham khảo và đặc điểm hoạt động kinh tế địa phương để giáo dục học sinh. Cụ thể, giáo viên bám theo hướng dẫn của sở và tìm hiểu, đi sâu vào truyền thống làng nghề, di tích lịch sử của địa phương để xây dựng giáo án.
Theo thầy Tâm, thuận lợi của nhà trường là địa phương có một số nghề truyền thống như đi biển, nghề gỗ… giáo viên tìm hiểu và lồng ghép với giáo dục về biển đảo quê hương, duy trì làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do tài liệu chuyên biệt của môn học chưa có, chưa có hình dung cụ thể, dạy học theo chủ đề nên nhà trường dạy theo hoạt động lồng ghép.
Theo ghi nhận của phóng viên do chưa có tài liệu giáo dục địa phương hiện một số địa phương vẫn chưa triển khai dạy học môn học này như quận Lê Chân, huyện Cát Hải. Các nhà trường mong muốn sớm có tài liệu môn học để tiến hành giảng dạy theo kế hoạch.
Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, trao đổi: Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 6 đang chuẩn bị phát hành, đảm bảo tiến độ dạy học bộ môn. Với lớp 1, tài liệu môn học này bị chậm vì nhiều lý do. Cũng như nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn về chuyên môn. Sở đang yêu cầu trong tháng 10 sẽ có tài liệu lớp 1 và xong phần biên tập tài liệu lớp 2.
Tác giả: Nguyễn Dịu
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn