Ảnh cắt từ clip |
Trưởng công an xã đứng nhìn doanh nghiệp bị hủy hoại tài sản
Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của ông Lê Tuấn Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bảo vệ Lê Anh (Cty Lê Anh) về việc, trong quá trình thực hiện hợp đồng đảm bảo an ninh và bảo vệ tài sản của Công ty CP thương mại Hoàng Thảo Lâm (Cty Hoàng Thảo Lâm) tại Cảng Đầm có địa chỉ tại Thôn 1, xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nhân viên bảo vệ của Cty Lê Anh đã bị một nhóm người đến đe dọa, cưỡng chế, hủy hoại tài sản của Cty Hoàng Thảo Lâm.
Sự việc xảy ra vào khoảng 13h30’ ngày 17/11/2020, có 4 xe ô tô chở gần 20 người xông vào cổng bảo vệ của tổ sản xuất, chế biến than nơi Cty Lê Anh đang bảo vệ. Nhóm người này mang theo máy cắt xông vào đập phá, cắt tung hai cánh cổng bảo vệ vào bãi sản xuất. Tiếp đó, nhóm người cắt rời chân bốt nhà bảo vệ và camera an ninh giám sát.
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2021/01/06/H___i_Ph__ng__Doanh_nghi___p_b____h___y_ho___i_t__i_s___n_tr_____c_s____c___m___t_c___a_ch__nh_quy___n__1_.mp4[/presscloud]
Khi thấy nhóm người trên có hành động nêu trên, nhân viên bảo vệ của Cty Lê Anh đã đề nghị nhóm người xuất trình giấy tờ cũng như chứng minh những việc làm của họ là đúng pháp luật. Tuy nhiên, nhóm người này không xuất trình bất cứ giấy tờ gì.
Ngày 18/11/2020, nhóm người nói trên tiếp tục quay lại chở toàn bộ số sắt ở cổng, bốt bảo vệ và camera giám sát đi. Lúc này, ông Đạt – đội trưởng đội An ninh của Cty Lê Anh đã đề nghị để lại toàn bộ tài sản, nhưng nhóm người này trả lời là mang tài sản đi theo lệnh của Công an xã Gia Minh. Nếu có gì thắc mắc thì lên Công an xã Gia Minh trình bày.
Chưa dừng lại, ngày 21/12/2020, nhóm người nói trên tiếp tục quay lại với số lượng đông hơn, khoảng 30 người cùng một máy xúc, một ô tô có chở sẵn 2 cột sắt to hàn cổng và 2 cánh cửa tôn. Trong số đó, có một người đàn ông tự xưng là Nguyệt – Chủ hợp pháp của Cảng đầm. Sau đó, ông Nguyệt đã chỉ đạo nhóm người kia cắt dỡ, tháo cổng và xây dựng cổng trái phép mà Cty Lê Anh đang bảo vệ.
Theo lời kể của ông Lê Anh, ngày 22/12/2020, nhóm người của ông Nguyệt tiếp tục quay trở lại cùng đại diện chính quyền xã Gia Minh. Sau đó, một người đàn ông tên Cung đã chỉ đạo tháo dỡ tất cả các tài sản của khu nhà thưộc phạm vị Cty Lê Anh đang bảo vệ mặc cho nhân viên của công ty yêu cầu nhóm người dừng việc tháo dỡ.
Hậu quả của việc làm nêu trên, nhóm người đó đã tháo dỡ 3 bộ điều hòa, 1 ti vi, 1 bộ giường tủ, nội thất trong căn nhà, sau đó nhóm người này đã dùng xe kéo và đưa toàn bộ tài sản cùng chiếc ô tô ở trên hiện trường rời đi.
Theo hợp đồng đã ký với Cty Lê Anh, toàn bộ những tại sản mà Cty Lê Anh có trách nhiệm bảo vệ đã bị phá hỏng, di dời mang đi thì Cty Lê Anh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Nhận thấy việc làm của nhóm người nêu trên là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản, ông Lê Tuấn Anh đã làm đơn trình báo gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ sự việc về hành vi vi phạm của nhóm người đã hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản mà Cty Lê Anh đang bảo vệ.
Cũng theo Cty Lê Anh, khi sự việc nói trên xảy ra, nhân viên bảo vệ của công ty đã liên tục trình báo với Công an huyện Thủy Nguyên, Công an xã Gia Minh nhưng không được sự trợ giúp. Thậm chí, Trưởng CA xã Gia Minh còn có dấu hiệu “bảo hộ” cho hành vi vi phạm pháp luật nêu trên khi có mặt tại hiện trường chứng kiến toàn bộ sự việc mà không hề có động thái ngăn chặn.
Di dời hay cưỡng đoạt tài sản?
|
Để làm rõ nội dung phản ánh của ông Lê Tuấn Anh, phóng viên Báo GD&TĐ đã có buổi trao đổi với ông Phùng Công Tiến – Chủ tịch UBND xã Gia Minh. Tại buổi trao đổi, ông Tiến cho biết: “HTX Nông nghiệp Đá Bạc (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên) được UBND TP Hải Phòng cấp, có hợp đồng giao đất nhằm mục đích nuôi trồng thủy sản. Thời gian gần đây HTX có hợp đồng với một cá nhân cùng sử dụng đất. Nay hết hạn hợp đồng, HTX đã ra thông báo nhưng không thấy ai đến nhận. Do vậy, HTX Đá Bạc đã tháo dỡ, di dời những tài sản nằm trên đất”.
Cũng theo ông Tiến, khi di dời, tháo dỡ những tài sản trên đất ra ngoài, HTX Đá Bạc đã trình báo địa phương bằng “miệng”.
PV tiếp tục đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu mà HTX Đá Bạc khẳng định phần đất mà Cty Hoàng Thảo Lâm có tài sản và cổng nằm trên đó là diện tích đất của họ, ông Tiến nói: “Khi HTX Đá Bạc tháo dỡ, di dời những tài sản đó, họ có mang bìa đỏ trình ra và thực hiện đo cụ thể”.
|
Ông Tiến cũng khẳng định, đây không phải là cuộc cưỡng chế mà chỉ là cuộc di dời để tiếp quản diện tích đất của HTX Đá Bạc.
Khi PV tiếp tục đặt câu hỏi, khi di dời những tài sản đó, HTX Đá Bạc có kiểm đếm gì không, hiện những tài sản bị di dời đang nằm ở đâu, ông Tiến cho biết: “Những tài sản đó được di dời về trụ sở UBND xã Gia Minh, khi di dời tài sản về UBND xã đã được xã kiểm đếm chi tiết và lập biên bản kiểm đếm”.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận biên bản kiểm đếm đó, vị Chủ tịch xã từ chối cung cấp vì PV không phải là cơ quan chức năng có thẩm quyền.
|
Dư luận đặt câu hỏi, pháp luật có cho phép một doanh nghiệp này giải quyết tranh chấp bằng cách tự ý tổ chức tháo dỡ, di dời tài sản của doanh nghiệp khác hay không? Và vai trò quản lý của chính quyền địa phương khi các tổ chức, cá nhân xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp như thế nào?
Trong trường hợp này, nếu thực sự HTX Đá Bạc có tranh chấp cần giải quyết với công ty Hoàng Thảo Lâm thì đã có các cấp chính quyền của TP Hải Phòng hoặc Tòa án nhân dân… đứng ra giải quyết.
Căn cứ vào đâu mà HTX Đá Bạc lại tự cho mình quyền xông vào khu vực đang sản xuất của Cty Hoàng Thảo Lâm để tháo dỡ, di dời tài sản. Phải chăng HTX Đá Bạc đang làm thay quyền năng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền?
Nghiêm trọng hơn là trước khi thực hiện việc tháo dỡ, di dời tài sản của Cty Hoàng Thảo Lâm đã được HTX Đá Bạc thông báo trước cho ông Phùng Công Tiến - Chủ tịch UBND xã nhưng vị này lại không hề có động thái ngăn chặn. Trưởng CA xã cũng tỏ ra dửng dưng khi tận mắt chứng kiến sự việc.
Thậm chí, đội bảo vệ của Công ty Lê Anh liên lạc với ông M. là CA huyện Thủy Nguyên thì được cho biết đã báo cáo với Giám đốc CA TP Hải Phòng. Nhưng sự việc vẫn diễn ra….
Được biết, khu vực Cảng Đầm từ lâu đã không hoạt động nuôi trồng thủy sản như mục đích ban đầu mà đã được cải tạo thành bến bãi phục vụ cho mục đích kinh doanh than. Cảng Đầm có diện tích gần 4ha, lại ở vị trí đắc địa, có khả năng mang lại nguồn lợi lớn nên được nhiều doanh nghiệp ngành than “nhòm ngó”. Và đây là căn nguyên khởi nguồn của những hoạt động tranh giành địa bàn….
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Tác giả: Minh Thư
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn