Tuy nhiên, sau một thời gian dài “cầm cự” đến nay, không ít doanh nghiệp đã thực sự “mệt mỏi, kiệt quệ” vì đầu tư vào chợ. Tính đến cuối năm 2017, toàn thành phố Hải Phòng có 154 chợ lớn nhỏ, trong đó 122 chợ hạng 3 và 12 chợ tạm. Khu vực ngoại thành có 102 chợ và nội thành là 52 chợ.
Đầu tư chợ Bách Phương nhưng dân không vào chợ khiến chủ đầu tư đến bờ vực phá sản. |
Chuyện ở chợ Đại Hà
Dự án chợ tổng hợp xã Đại Hà huyện Kiến Thụy do Cty TNHH Thương mại dịch vụ Tiền Thảo làm chủ đầu tư đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích xây dựng chợ là 15.000m2. Quy mô dự án là chợ loại II với 198 điểm bán hàng cố định.
Tháng 1/2013, UBND thành phố có quyết định giao đất đợt I cho công ty, diện tích đất được giao là 13.833,3m2, thời hạn thuê đất 50 năm. Sau khi có Giấy phép xây dựng, Công ty đã tiến hành xây dựng khu nhà điều hành, các dãy ki-ốt và các điểm cho các hộ kinh doanh bán hàng, thi công 5.000m2 đường xung quanh chợ và đường nội bộ, cống thoát nước, trạm điện...
Ông Vũ Đức Tiền, GĐ Cty TNHH Tiền Thảo cho biết, tổng kinh phí doanh nghiệp bỏ ra đầu tư chợ đến nay khoảng hơn 20 tỷ đồng. Chợ hiện có 156 hộ kinh doanh cố định và gần 50 người kinh doanh không cố định. Doanh nghiệp thực sự đã mệt mỏi, kiệt quệ vì dự án triển khai lay lắt, thiếu mặt bằng thực hiện. Chúng tôi mong UBND thành phố tạo điều kiện, sớm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.
Được biết, sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế vào cuối tháng 12/2017, các sở ngành và UBND huyện Kiến Thụy đã có văn bản báo cáo UBND TP Hải Phòng xem xét kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều chợ còn khổ hơn
Không may mắn như chợ Đại Hà khi có rất đông tiểu thương vào hoạt động, chợ Bách Phương – An Lão sau khi xây dựng xong (khoảng tháng 8/2013) đến nay vẫn không thu hút được tiểu thương vào họp chợ. Ông Vũ Văn Chính chủ đầu tư chợ Bách Phương chia sẻ, lý do của việc này một phần do yêu cầu cấp bách phải đưa chợ vào hoạt động để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cho nên, chủ đầu tư đã xây dựng ngay một số công trình mà không thực hiện quy hoạch tổng mặt bằng. Chợ xây xong, dân không vào họp chợ mà vẫn họp ngoài đường. Hàng năm chủ đầu tư vẫn phải nộp tiền thuê đất cho UBND huyện.
Để có tiền nộp thuế, chủ đầu tư đã cho một số hộ thuê lại các công trình trong chợ. Nhưng thay vì buôn bán, kinh doanh, các hộ đã làm quán karaoke, nhà mầm non tư thục… Sự việc đã được các cơ quan chức năng tiến hành xử lý vào tháng 09/2017. Ông Chính bức xúc, tôi trả lại chợ cho xã, xã muốn làm gì thì làm, tôi cũng sắp vỡ nợ rồi… Chúng tôi xây dựng xong, dân không vào họp chợ vì vào bị mất phí, còn việc giải quyết, xóa bỏ chợ tạm họp 2 bên đường là việc của chính quyền địa phương. Ở đây không khác gì đem con bỏ chợ…
Và con rất nhiều chợ khác, mỗi chợ là một câu chuyện (chợ phường Vĩnh Niệm, chợ Tân Tiến – huyện An Dương, chợ Mét – huyện Vĩnh Bảo....), không chợ nào giống chợ nào… Chỉ có một điểm giống nhau: Chủ đầu tư đều mệt mỏi, chán nản, không tìm ra phương án tháo gỡ khó khăn.