Hải Phòng đồng loạt hưởng ứng mở lối thoát nạn “chuồng cọp”

Admin
Theo thống kê, TP Hải Phòng hiện có 205 chung cư cũ với hơn 8.000 căn hộ, phần lớn trong số đó được xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước và đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó là hàng vạn ngôi nhà xây dựng riêng lẻ được quây kín bởi hệ thống \"chuồng cọp\" nhằm phòng trộm.

Trước diễn biến phức tạp về tình trạng cháy, nổ, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo việc đảm bảo an toàn chất lượng công trình và công tác PCCC tại các khu chung cư và nhà ở riêng lẻ trên toàn thành phố. Trong đó yêu cầu các địa phương khẩn trương vận động người dân tự tháo dỡ các công trình cơi nới như “chuồng cọp”, “buồng lồi”, lấn chiếm cầu thang, hành lang..., kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ì, chống đối.

 Hàng trăm “chuồng cọp” của nhà dân phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) được chính quyền hỗ trợ tháo dỡ.

Tại quận Ngô Quyền nằm ở trung tâm của thành phố, hiện có tới 138 khu chung cư, trong đó, có 18 chung cư mới xây dựng và 120 chung cư cũ. Qua rà soát, có 1.230 trường hợp tự ý cơi nới làm buồng lồi, “chuồng cọp” bịt kín ban công; có 403 hộ kinh doanh nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh với 2.976 căn hộ… Trong đó đáng chú ý, tại phường Cầu Tre có hơn 300 nhà ở hộ gia đình, nhà tập thể gia cố thêm “chuồng cọp” ngoài ban công nhưng không có lối thoát hiểm thứ 2, nguy cơ cao mất an toàn về PCCC.

Chủ tịch UBND phường Cầu Tre Nguyễn Văn Thành cho biết, UBND phường Cầu Tre đã thành lập tổ công tác đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2. Trong quá trình vận động, lực lượng Công an đã phân tích, chỉ ra những hạn chế và hậu quả của việc lắp “chuồng cọp” khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Sau đó trực tiếp xem xét, nghiên cứu, tư vấn cho người dân vị trí để mở lối thoát nạn phù hợp và thuận tiện với không gian nhà ở.

Chia sẻ về công tác tuyên truyền, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2, anh Phạm Quang Huy, thành viên tổ công tác phường Cầu Tre cho biết, ban đầu, công tác vận động cũng gặp khó khăn do người dân không đồng ý vì sợ xảy ra tình trạng trộm cắp, mất an ninh trật tự. Sau đó, tổ công tác đã tuyên truyền và tư vấn cho các hộ gia đình làm khóa, sắp xếp vị trí để khóa và búa, rìu để sẵn sàng có thể mở, phá khóa khi có cháy, nổ xảy ra và trực tiếp hỗ trợ người dân mở lối thoát nạn. Nhờ đó, chỉ sau vài ngày đầu thực hiện, người dân ủng hộ và đã mở được gần hàng trăm lối thoát nạn thứ 2 tại các hộ gia đình.

“Được tổ công tác đến tận nơi hỗ trợ để phòng chống, chữa cháy và còn được tư vấn vị trí, hỗ trợ cắt mở lối thoát nạn phù hợp và bảo đảm an toàn nên gia đình sẵn sàng mở chuồng cọp làm lối thoát hiểm cho chính mình” – bà Vũ Thị Xuyến, ở khu tập thể C55 ngõ 315, Tổ dân phố số 6, phường Cầu Tre vui vẻ cho biết.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Lê Chưởng cho biết thêm, địa phương triển khai công tác kiểm tra, rà soát đến 100% khu chung cư, nhà tập thể, ký túc xá sinh viên, loại hình nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh được phân cấp quản lý. Đảm bảo đến hết năm 2023, mỗi hộ gia đình trên địa bàn quận sẽ có nhất 1 người được huấn luyện về PCCC và trang bị bình chữa cháy. Mỗi phường phải đăng ký xây dựng tối thiểu 1 Tổ dân phố an toàn PCCC. Đồng thời, ra mắt thêm 132 Tổ liên gia an toàn PCCC. Tiếp tục rà soát, xây dựng các mô hình điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư có địa hình phức tạp, xe chữa cháy khó tiếp cận. Các mô hình được xây dựng đảm bảo thực chất, phục vụ hiệu quả cho công tác PCCC trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, UBND quận Ngô Quyền thực hiện rà soát quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt là giao thông, nguồn nước phục vụ công tác PCCC và CNCH. Chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.

Còn tại quận Hồng Bàng cũng đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ”. Trong đó yêu cầu phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện và tích cực tuyên truyền đến mọi người dân thực hiện hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại nơi sinh sống, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Phạm Văn Đoan cho biết, quận yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải vận động thân nhân và nhân dân nơi cư trú tự trang bị tại nơi ở ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay phù hợp. Khuyến khích trang bị thêm các phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định như: mặt nạ phòng độc, dụng cụ phá dỡ thô sơ… phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Đối với nhà có từ 2 tầng trở lên cần nghiên cứu, chuẩn bị tối thiểu 2 phương án thoát nạn phù hợp như: qua cửa chính, qua ban công, lên sân thượng sang nhà giáp ranh. Đặc biệt phải vận động thân nhân, nhân dân nơi cư trú kiên quyết tháo bỏ “lồng sắt”, “chuồng cọp” và mở lối thoát nạn an toàn.

 Tác giả: V. Huy

Nguồn tin: cand.com.vn