Phối cảnh dự án trụ sở Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng |
Năm 2009, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 441/QĐ-BTP phê duyệt Dự án xây dựng trụ sở và Kho vật chứng của Cục THADS TP Hải Phòng. Dự án được triển khai tại địa bàn phường Vĩnh Niệm và phường Kênh Dương, quận Lê Chân trên diện tích 5.000 mét vuông. Sau đó, UBND TP Hải Phòng điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế Khu đô thị mới Hồ Sen - Cầu Rào 2 nên dự án cũng được điều chỉnh, bố trí tại vị trí lô đất CC-20 có diện tích trên 5.200 mét vuông thuộc địa bàn phường Vĩnh Niệm.
Đến nay, Dự án đã kéo dài gần 10 năm nhưng không thể triển khai do chưa thu hồi được hết diện tích đất. Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm cho biết, tổng số hộ gia đình có đất trong diện thu hồi để thực hiện dự án là 26 hộ. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn một số hộ gia đình không chấp hành nhận tiền hỗ trợ đền bù như hộ ông Tăng Văn Thoan, bà Tăng Thị Huyền, bà Đặng Thị Chanh.
Căn cứ Kế hoạch giải phóng mặt bằng của UBND quận Lê Chân, quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ đầu tư là Cục THADS Thành phố Hải Phòng đã thực hiện lựa chọn và ký hợp đồng với các nhà thầu theo quy định. Hàng năm dự án đều được Bộ Tư pháp bố trí vốn để hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai thi công. Cùng với đó, chủ đầu tư đã chuyển kinh phí cho Trung tâm phát triển quỹ đất quận Lê Chân để đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân khi thu hồi đất. Tuy nhiên, đến nay diện tích đất được thu hồi còn nhỏ và xen kẹt. Do đó, Chủ đầu tư mới triển khai xong hạng mục đúc cọc móng, không có mặt bằng ép cọc và thi công các hạng mục khác. Qua 10 năm, công trình vẫn "dậm chân tại chỗ".
Tính đến nay, trong khối cơ quan thi hành án dân sự toàn quốc chỉ có Cục THADS TP Hải Phòng là chưa có trụ sở và kho vật chứng theo quy định. Việc sử dụng chung trụ sở với Sở Tư pháp với diện tích chật hẹp, không có kho vật chứng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của ngành. Việc không có trụ sở đáp ứng được yêu cầu của công việc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của ngành THADS, lĩnh vực công tác vốn được xem là hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm có liên quan đến nhiều mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân.
Theo Cục trưởng Cục THADS TP Hải Phòng Trần Hồng Quang, tiến độ thu hồi đất phục vụ dự án là rất chậm, gây khó khăn cho Chủ đầu tư trong công tác quản lý dự án, quản lý vốn đầu tư và triển khai dự án. Trong các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, trước tiên, phải nhắc đến việc Hải Phòng thay đổi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế đô thị khu đô thị mới Hồ Sen - Cầu Rào 2 do đó việc bồi thường, hỗ trợ đợt 1 cho các hộ dân phải tạm dừng. Theo thông báo thu hồi đất mới, dự án có thay đổi về quy mô, một phần diện tích thu hồi của các hộ dân, do đó số liệu kiểm kê, lập phương án phải điều chỉnh mất nhiều thời gian.
Quá trình thu hồi đất còn bị ảnh hưởng do thay đổi chính sách pháp luật về đất đai. Theo Luật đất đai sửa đổi 2013, đơn giá đền bù thấp hơn so với thay thế Luật đất đai 2003, do đó một số hộ không đồng thuận. Tiếp đến, một số thửa đất đã chuyển nhượng qua nhiều người, nhiều lần không có giấy tờ hợp pháp dẫn đến việc xác minh nguồn gốc, chủ sử dụng đất để phối hợp kiểm kê gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến sự việc, ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho hay, giấy tờ và sổ mục kê về diện tích đất thu hồi cho thấy đó không phải là đất thổ cư. Do đó, việc ông Tăng Văn Thoan, bà Tăng Thị Huyền và bà Đặng Thị Chanh đòi hỏi quyền lợi được đền bù 100% diện tích bị thu hồi như đất thổ cư là không chính đáng.
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hồi đất, năm 2017, UBND TP Hải Phòng đồng ý áp dụng biện pháp hỗ trợ khác khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án, theo đó mức giá bồi thường, hỗ trợ đã bằng mức giá theo Luật đất đai 2003. Đồng thời, UBND phường Vĩnh Niệm và UBND quận Lê Chân đã nhiều lần vận động thuyết phục, tuy nhiên, những hộ dân này không chấp hành.
Ông Du khẳng định, do thời gian triển khai dự án đã quá lâu, nếu những hộ dân vẫn tiếp tục chống đối, UBND quận Lê Chân sẽ ban hành quyết định cưỡng chế đồng thời triển khai các bước tiếp theo như xin ý kiến cơ quan chuyên môn, báo cáo Ban cán sự Đảng và Thường trực Thành ủy để chuẩn bị cho việc cưỡng chế.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng quan tâm, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Thành trực Thành ủy và UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu UBND quận Lê Chân phối hợp chặt chẽ với Cục THADS TP tập trung, đề xuất biện pháp cụ thể báo cáo UBND TP trước ngày 15/5/2018.
Thiết nghĩ, UBND quận Lê Chân, UBND TP Hải Phòng cần tập trung và quyết liệt hơn trong việc thu hồi đất đồng thời sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong việc vận động, thuyết phục người dân để dự án không có nguy cơ bị “xóa sổ”.