Hải Phòng dự chi ngân sách hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp khỏi chung cư nguy hiểm cấp độ D

Lan Anh
UBND TP. Hải Phòng đề xuất cơ chế đặc thù dùng ngân sách hỗ trợ cho các hộ dân sống trong các chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D tìm chỗ ở tạm thời…
chung-cu-a-7-1727493678.jpg

Chung cư A7, A8 Vạn Mỹ bị lún nghiêng sau bão số 3 buộc các hộ dân phải di dời khẩn cấp

Ngày 27/9, nguồn tin của VnEconomy cho biết UBND TP. Hải Phòng đang dự thảo, đề xuất HĐND thành phố thông qua nghị quyết chính sách đặc thù, dùng ngân sách chi trả, hỗ trợ tiền thuê nhà tạm lánh cho các hộ dân di dời khẩn cấp khỏi các chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn sau ảnh hưởng bởi bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Cả nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp

Theo báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hải Phòng có cường độ gió mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây đã gây ảnh hưởng đến tính ổn định các chung cư cũ. Một số chung cư cũ như chung cư A7 và A8 Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền), chung cư 169 Lê Duẩn (quận Kiến An)… có dấu hiệu nghiêng lún, chuyển vị. Các kết cấu chịu lực ngang, kết cấu bao che bị ảnh hưởng nặng nề sau bão.

Qua kiểm tra sơ bộ, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng xác định 41 chung cư cũ cấp độ D trên địa bàn các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn hơn sau bão. Theo đánh giá của Sở Xây dựng trong số 41 chung cư cũ cấp độ D, có 9 chung cư từ A1 đến A9 Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm, những chung cư cấp độ D còn lại trong tình trạng nguy hiểm, khó có thể đánh giá tính ổn định của công trình sau khi bão xảy ra.

Trước vấn đề mất an toàn của nhiều chung cư cấp độ D, ngày 12/9, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đã chỉ đạo ngừng sử dụng 41 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D do các chung cư này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3. Để đảm bào an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu UBND các quận, các phường nơi có các chung cư cấp độ D có dấu hiệu nguy hiểm phối hợp cùng Sở Xây dựng để di dời khẩn cấp khoảng 2.600 hộ dân đang ở tại các chung cư này đến nơi ở tạm cư.

Hỗ trợ kinh phí cho người dân tạm lo chỗ ở

Theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng, việc di dời khẩn cấp các hộ dân đang sử dụng nhà ở tại các chung cư cũ không xuất phát từ mong muốn, nhu cầu ban đầu của các hộ dân. Các hộ dân ở tại các chung cư cũ nguy hiểm này đều thuộc diện khó khăn về nhà ở, không có nơi ở nào khác. Đa số các hộ dân này có mức sống trung bình, điều kiện thu nhập không cao, không có điều kiện để tự lo chỗ ở mới.

Vì vậy, UBND TP. Hải Phòng đề xuất HĐND thành phố xây dựng cơ chế đặc thù, hỗ trợ di dời khẩn cấp đối với các hộ dân đang sử dụng nhà ở tại các chung cư cũ nguy hiểm sau ảnh hưởng bão số 3. UBND TP. Hải Phòng đề xuất, các hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm được thành phố hỗ trợ kinh phí để tự lo chỗ ở tạm thời trong khoảng thời gian từ khi có quyết định di dời đến thời điểm các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đã có quỹ nhà ở để bán, cho thuê được đưa vào sử dụng.

Nếu được HĐND TP. Hải Phòng thông qua cơ chế đặc thù, UBND thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí tự lo chỗ ở tạm thời theo mức hỗ trợ hàng tháng và tổng thời gian được hỗ trợ (được tính theo tháng). Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ thêm kinh phí di chuyển.

Theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng, việc hỗ trợ giải quyết chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 và Công văn số 9407-CV/VPTU ngày 11/9/2024 của Thành ủy Hải Phòng. Nhờ đó, các hộ dân có kinh phí để tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian chờ các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn hoàn thiện xây dựng, thực hiện bán, cho thuê. Đặc biệt, việc di dời khẩn cấp các hộ dân đang sử dụng nhà ở tại chung cư cũ là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.

Trong đề xuất hỗ trợ di dời khẩn cấp đối với các hộ dân đang sinh sống tại 41 chung cư cũ nguy hiểm, UBND TP. Hải Phòng cho rằng do điều kiện thực tế, hiện nay, Hải Phòng không còn quỹ nhà ở chung cư thuộc tài sản công để bố trí cho các hộ dân tạm lánh. Trong khi đó, quỹ căn hộ nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn ngoài ngân sách đang trong các giai đoạn thực hiện. Dự kiến, đến tháng 10/2026, các khu nhà ở xã hội này sẽ hoàn thiện, đảm bảo đủ quỹ căn hộ đáp ứng nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội của các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê, Hải Phòng có 205 chung cư cũ với hơn 8.300 căn hộ, trong đó, Cty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà quản lý 131 khu nhà, còn lại 74 khu nhà do các cơ quan, đơn vị tự quản. Qua rà soát, đến nay, đa số quỹ nhà này đã hết niên hạn sử dụng.

Từ năm 2017, Hải Phòng đã thực hiện phá dỡ, xây dựng lại các chung cư cũ. Đến nay, Hải Phòng còn 75 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D, trong đó, có 34 chung cư cũ Đổng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) đang thực hiện phá dỡ, các hộ dân được bố trí về sinh sống tại các chung cư mới HH1, HH2, HH3, HH4. Còn lại 41 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D có 2.600 hộ dân sinh sống sẽ được di dời tạm lánh.