Bão số 3 (Wipha) không gây thiệt hại về người và hầu như không gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ và nguy cơ sạt lở đất ở một số nơi.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, tính đến ngày 23/7, địa phương không ghi nhận thiệt hại về người trong cơn bão số 3. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa kết hợp triều cường đã gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số khu vực, ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt. Khoảng 30 ha lúa ở một số khu vực trũng, thoát nước kém trên địa bàn các xã Vĩnh Lại, Hồng Châu, Nam Sách, Đại Sơn, Chấn Hưng…ngập cục bộ, chủ yếu là diện tích lúa mới cấy và những diện tích mới gieo sạ. Một số diện tích rau màu của bà con tại các xã Nam Sách, Thái Tân, Đại Sơn, Chí Minh, phường Nguyễn Đại Năng, An Dương cũng bị ngập úng. Đến 16 giờ ngày 22/7, những diện tích cây trồng, rau màu bị ngập úng cơ bản được khắc phục.
![]() |
Người dân tại Hải Phòng huy động vật tư ứng phó với các sự cố có thể xảy ra trong bão số 3. |
Trong và sau cơn bão số 3, trên địa bàn Hải Phòng cũng xảy ra một số sự cố đê điều. Tuyến đê tả sông Luộc đã xảy ra sự cố tràn tại cống Quý Cao (thuộc địa bàn xã Nguyên Giáp) với chiều dài 6m và tràn đê bối Quý Cao; địa phương đã thực hiện đắp chống tràn bằng bao tải đất đảm bảo an toàn. Trên tuyến đê tả sông Thái Bình cũng xảy ra sự cố tràn tại khu vực K0+450 đến K0+500; địa phương đã huy động lực lượng thực hiện đắp chống tràn, đảm bảo an toàn. Tại khu vực tả sông Văn Úc (địa bàn xã An Hưng) xảy ra sự cố sạt chân đê, mái đê phía sông. Xã An Hưng đã huy động lực lượng xử lý kịp thời.
![]() |
Các cơ quan chức năng, địa phương tại Hải Phòng tăng cường kiểm tra đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố xảy ra. |
Đặc biệt, vào chiều 22/7 đã xảy ra sự cố vỡ 7 m bối bảo vệ cho khu vực nuôi trồng rươi, cáy trên bãi sông của bà con (tương ứng vị trí K0+500 đê hữu sông Thái Bình). Ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hải Phòng cho biết, sự cố được xử lý kịp thời, không gây thiệt hại lớn cho bà con.
“Rút kinh nghiệm từ cơn bão Yagi vào năm ngoái, việc phòng chống của cấp ủy chính quyền và tuyên truyền cho nhân dân phòng chống rất tốt. Hải Phòng cũng có một đê quai vỡ ở khu vực khoanh nuôi rươi của người dân; rất may thời điểm bây giờ mới là thời điểm tạo ra môi trường cho rươi đến mùa vào sinh sản và thu hoạch. Vì vậy, về tài sản không thiệt hại lớn lắm”.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Thường trực Thành ủy Hải Phòng yêu cầu, Đảng ủy UBND thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão; chủ động xử lý các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ; chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các đảng ủy xã, phường, đặc khu trên địa bàn thành phố rà soát, kiểm tra thường xuyên các khu vực đê điều xung yếu, có nguy cơ sạt lở hoặc ngập úng; kịp thời sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng và người dân trong công tác khắc phục và phòng ngừa.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo VOV