Theo đề xuất, tổng diện tích Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng khoảng 20.000ha, gồm quận Đồ Sơn và 5 huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.
Khu kinh tế được định hướng đầu tư khu thương mại tự do, ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển. Khu kinh tế dự kiến cũng tận dụng lợi thế của quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng. Đồng thời thành phố Hải Phòng cũng mong muốn phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch “xanh”.
Đơn vị tư vấn xây dựng dự án là Omgeving (Bỉ). Ý tưởng chủ đạo trong thiết kế quy hoạch tổng thể Khu kinh tế ven biển phía Nam gồm 4 yếu tố: Vòng tuần hoàn xanh; kết nối đa phương thức; mạng lưới công nghiệp thông minh; điểm đến cho cuộc sống năng động. Theo đó, Khu kinh tế sẽ có các dự án động lực như: Sân bay quốc tế Tiên Lãng, Cảng Nam Đồ Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư bản địa, khu vực đất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững.
Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.
Quý 1/2024, Hải Phòng đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng GRDP (9,32%, gấp 1,6 lần mức tăng bình quân chung cả nước); so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách nội địa đạt trên 18.900 tỷ đồng, tăng trên 130%, đạt 50% dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,74 tỷ USD, tăng trên 18 %. Ðặc biệt, tại Hải Phòng, Khu công nghiệp DEEP C và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái, đang đi tiên phong trong việc xây dựng Khu Công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.