Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Hải Phòng, sau dịch bệnh COVID-19, chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, tại Hải Phòng có khoảng hơn 100 công ty, nhà thầu xây dựng bị phá sản. Đây là hệ quả của việc nợ đọng trong ngành xây dựng - vấn đề vốn đã rất nhức nhối nhiều năm qua.
Nhiều nhà thầu “kêu trời” vì nợ đọng kéo dài
Trao đổi với Người Đưa Tin, một số nhà thầu phụ cho biết vẫn chưa được thanh toán giá trị còn lại của hợp đồng và quyết toán hợp đồng gồm giá trị phát sinh sau hơn 1 năm sau khi hoàn thành các hạng mục đã ký kết với nhà thầu chính (tổng thầu) là Công ty TNHH ZEIT Việt Nam thi công Dự án LG Display ở Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng.
“Thời gian qua, nhà thầu đã liên tục yêu cầu tổng thầu thanh toán số tiền còn lại nhưng tổng thầu vẫn trì hoãn việc thanh quyết toán. Điều này giống như việc lợi dụng vốn của nhà thầu”, đại diện nhà thầu chia sẻ.
Nhiều nhà thầu xây dựng khốn đốn vì nợ đọng kéo dài sau khi hoàn thành công trình. Cực chẳng đã, một số nhà thầu phụ ở Hải Phòng "gây áp lực" yêu cầu chủ đầu tư, tổng thầu thanh toán nợ đọng kéo dài (Ảnh: CTV).
Không chỉ ở dự án LG Display, nhiều nhà thầu xây dựng, chủ yếu là các nhà thầu phụ, ở Tp.Hải Phòng “kêu trời” vì tình trạng nợ đọng kéo dài tại các dự án, công trình vốn đầu tư FDI hay của các nhà đầu tư trong nước, trong đó có Công ty CP đầu tư xây dựng CDS.
Thông tin tới Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trung Tuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư xây dựng CDS, cho biết, các tổng thầu đang nợ Công ty số tiền lên tới gần 70 tỷ đồng.
“Có những tổng thầu nợ đến năm thứ 3, thứ 4 sau khi hoàn thành công trình. Một số bên đã quyết toán nhưng khất lần thanh toán, một số lại cố tình kéo dài thời gian quyết toán bằng nhiều cách khác nhau như thay mẫu mã các văn bản trong thanh, quyết toán hay thay đổi người nghiệm thu”, ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, rất khó để các nhà thầu phụ có thể “đòi nợ” được các nhà thầu chính. Từng có thời điểm Công ty CP đầu tư xây dựng CDS cùng một số nhà thầu phụ khác “gây áp lực” đòi trả nợ thì ngay lập tức bị nhà thầu chính xếp vào “danh sách đen” (black list). Sau đó, họ không cho tham gia thầu các dự án mình trúng thầu trong 1 năm.
“Khi bị các nhà thầu chính nợ tiền, nhà thầu phụ “thiệt đơn thiệt kép”, nhất là không có vốn hoặc không đủ vốn để đầu tư vào các dự án khác trong cùng thời điểm. Hay nặng hơn, có những nhà thầu phụ lâm vào cảnh phá sản do không có tiền trả tiền vay để thi công công trình”, ông Tuyên thừa nhận.
Giúp đỡ các nhà thầu xây dựng “yếu thế”
Sáng 9/7, trao đổi với Người Đưa Tin về tình trạng kể trên, ông Nguyễn Thế Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Hải Phòng, cho biết, việc các nhà thầu phụ bị các nhà thầu chính, nhà đầu tư nợ tiền luôn là chủ đề nóng được đưa ra họp bàn tại các buổi họp của Hiệp hội.
Thực tế, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và sau này, hơn 100 nhà thầu nhỏ và vừa (chủ yếu là nhà thầu phụ) trên địa bàn Tp.Hải Phòng bị phá sản do không đòi được nợ từ nhà thầu chính, chủ đầu tư.
Trong khi đó, đa phần lại không muốn đưa các vụ việc ra tòa hoặc trọng tài kinh tế để giải quyết bởi sợ bị nhà thầu chính, chủ đầu tư đưa vào “danh sách đen” khó trúng thầu các dự án, công trình sau này.
Vấn đề bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu "yếu thế" nhiều lần được đưa ra bàn thảo tại các cuộc họp của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Hải Phòng (Ảnh: CTV).
Để hỗ trợ giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng, ông Mạnh cho biết, tại các cuộc họp của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Hải Phòng cũng như Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, các thành viên đều thống nhất cho rằng, Chính phủ cần giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu về cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với các công trình xây dựng.
Ngoài ra, có thể bổ sung những điều kiện như khi công trình đã xây dựng xong, chủ đầu tư chưa trả tiền cho các nhà thầu thì không được phép sử dụng công trình.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê, công bố những chủ đầu tư, tổng thầu chậm trả nợ. Điều này giúp tác động đến các chủ đầu tư, tổng thầu sợ mất uy tín, từ đó làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc hơn.
“Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Hải Phòng đang dự kiến lên danh sách các tổng thầu, nhà đầu tư nợ nhiều để khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội hạn chế hoặc cân nhắc khi hợp tác với họ.
Đối với các thành viên bị nợ đọng kéo dài, Hiệp hội cũng sẽ gửi công văn, dùng uy tín của mình để yêu cầu thanh toán, bảo vệ quyền lợi của các hội viên”, ông Nguyễn Thế Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Hải Phòng, nói.