Đó là vụ UBND quận Hồng Bàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý dự án đầu tư (nghiệm thu thanh toán không đúng khối lượng so với thực tế thi công) đối với Dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc (cũ) đến chân cầu đường bộ Tam Bạc (giai đoạn II).
Cụ thể, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công không đúng thực tế 25,6 tỷ đồng. Vụ thứ 2: Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước (tạm ứng kéo dài qua nhiều năm không có hồ sơ hoàn ứng, không thu được tiền tạm ứng gây thiệt hại 52 tỷ đồng).
Phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở TNMT Hải Phòng để làm rõ sự việc nhưng chưa nhận được lịch cụ thể.
|
Những thông tin về dự án Công viên cây xanh từ BX Tam Bạc đến chân cầu đường bộ Tam Bạc sẽ được Báo điện tử Congluan.vn tiếp tục cập nhật |
Vụ thứ 3: Công ty Xi măng Phúc Sơn có dấu hiệu vi phạm về thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (trốn thuế) và khai thác tài nguyên trái phép (dưới cốt cho phép (+5m).
Vụ thứ 4: Việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép ngoài ranh giới được cấp phép cho Công ty Cổ phần thương mại Tân Hoàng An và Công ty Xi măng Phúc Sơn; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Theo KTNN, Công ty Xi măng Phúc Sơn là một liên doanh do Tập đoàn Lucky của Đài Loan đầu tư, được cấp phép đầu tư từ tháng 1/1996 với tổng vốn đầu tư 265 triệu USD, tổng công suất thiết kế là 1,8 triệu tấn/năm.
Trong quá trình hoạt động được xác định khai thác vượt công suất, vượt ranh giới cho phép dẫn đến khối lượng tài nguyên vượt mức kê khai tính thuế tài nguyên và các khoản phải nộp NSNN (Ngân sách Nhà nước) khác là 8.380.111,91 m3; chưa kê khai tính phí bảo vệ môi trường là 9.758.225,14 m3; khối lượng tài nguyên đã khai thác dưới cốt cho phép là 434.098,42 m3.
Từ đó KTNN tạm xác định doanh nghiệp phải nộp NSNN khoảng 266,6 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phải nộp khác có liên quan. Ngoài ra, Công ty Xi măng Phúc Sơn không có năng lực khai thác và sử dụng hợp đồng thuê khoán cho các tổ chức, cá nhân trong địa bàn. Việc khai thác hình thành “Tuyệt tình cốc” không thực hiện hoàn nguyên rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người lao động, nhiều năm đã để xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, công ty này còn lựa chọn các đơn vị thuê khai thác công nghệ lạc hậu dẫn đến môi trường ô nhiễm nặng nề bị người dân nơi có mỏ đá phản đối….
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã nhiều năm không kiểm tra sản lượng khai khác theo quy định của Luật Khoáng sản; việc nộp thuế hàng năm dựa trên số liệu sản lượng khai thác do doanh nghiệp tự kê khai.
Mặc dù từ năm 2009, UBND huyện Thủy Nguyên đã có báo cáo phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhưng UBND TP Hải Phòng chưa có biện pháp xử lý triệt để….
Theo anh Nguyễn Đức Thành (Hải An, Hải Phòng): dư luận và cử tri Hải Phòng đang hết sức quan tâm đến những vụ việc Kiểm toán Nhà nước đã kết luận, chỉ rõ sai phạm. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng TP Hải Phòng cần sớm công khai kết quả xử lí, minh bạch thông tin để người dân nắm được.