Nghề trồng, chế biến, xuất khẩu cau tại huyện Thủy Nguyên giúp nông dân phát triển kinh tế (ảnh minh họa). |
Linh hoạt với chính sách đặc thù
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025), tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố giảm (từ 0,4% đến 0,6%/năm).
Theo đó, để đạt được được kết quả giảm nghèo bền vững là do các sở, ngành, địa phương quyết liệt, linh hoạt trong thực hiện các chính sách đặc thù. Hải Phòng phấn đấu “đến năm 2025, không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn thành phố”.
Hộ gia đình ông Vũ Đình Thóc, Tổ dân phố Trung Hành 6, phường Đằng Lâm là một trong nhiều gia đình hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, thu nhập trên địa bàn quận Hải An được chính quyền địa phương trợ giúp kịp thời. Không chỉ được hỗ trợ xây nhà, con gái ông Thóc cũng được Hội Chữ thập đỏ quận Hải An, Hội Doanh nhân quận kết nối, tạo việc làm, với mức thu nhập ổn định, hỗ trợ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Thông tin từ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Hải An, theo chuẩn nghèo đa chiều mới, trên địa bàn quận còn 133 hộ nghèo. Hướng tới mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn không còn hộ nghèo, quận Hải An xây dựng Đề án vận động xã hội hóa giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025.
Thực hiện đề án, từ tháng 4/2022 đến cuối tháng 3/2023, quận tiếp nhận kinh phí hỗ trợ hộ nghèo của 89 đơn vị, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6 năm nay, quận hoàn thành trao kinh phí hỗ trợ thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các thành viên hộ cận nghèo, với số tiền hơn 1,689 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, Hải An không còn hộ nghèo (tiêu chí thu nhập) trên địa bàn quận.
Tại huyện An Lão, năm 2022, qua rà soát hơn 4.300 hộ dân với gần 14 nghìn nhân khẩu. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định, hướng dẫn 170 hộ nghèo có nhu cầu xây, sửa nhà đăng ký nhận hỗ trợ vật liệu, kinh phí. Bên cạnh đó, Phòng huy động các tổ chức chính trị-xã hội ủng hộ 255 triệu đồng để 15 hộ nghèo phát triển sản xuất.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021 đến tháng 4-2023, các địa phương, đơn vị, tổ chức chính trị- xã hội huy động khoảng 4.682 tỷ đồng nhằm cụ thể hóa một số chỉ tiêu theo Nghị quyết đặc thù của HĐND thành phố như: Nghị quyết 52 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết số 04 về quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025...
Nhiều chính sách đặc thù giúp người dân phát triển kinh tế (ảnh minh họa). |
Quyết tâm giảm nghèo bền vững
Kết quả giảm nghèo trên địa bàn thành phố tuy đạt mục tiêu đề ra, nhưng chưa thực sự vững chắc. Tỷ lệ tái nghèo những năm gần đây của Hải Phòng đạt gần 10%, ở mức cao so với các địa phương lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh...
Hiện, Hải Phòng gặp khó khăn trong xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tạo việc làm, sinh kế bền vững (thuộc dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững) vì đến thời điểm này chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương.
Để tháo gỡ vướng mắc này, huyện Thủy Nguyên chủ động phân cấp các xã, thị trấn linh hoạt thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo tại địa phương. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện, thường xuyên theo dõi, giám sát và tổng hợp, báo cáo kết quả (khi có yêu cầu).
Phía Sở Lao độngThương binh và Xã hội thành phố tiếp tục tham mưu UBND thành phố tăng mức đầu tư đối với công tác dạy nghề phù hợp trình độ, điều kiện của người nghèo, dạy nghề phải gắn với tạo thu nhập, dạy có địa chỉ, liên kết với doanh nghiệp và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động nhằm bảo đảm họ có mức thu nhập ổn định, bền vững.
Tại thời điểm cuối năm 2022, số hộ nghèo của thành phố: 4.961 hộ (giảm 47% so với đầu kỳ), số hộ cận nghèo của thành phố 10.783 hộ (giảm 24,71% so với đầu kỳ) đạt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2021 đến cuối tháng 4-2023, trên địa bàn thành phố có khoảng 17.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm (trung bình mỗi hộ được vay 56 triệu đồng). Dự kiến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm 0,4% so với năm 2022 (0,78%).
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn