Hải Phòng: Phố bỗng hóa sông, người dân chật vật mỗi mùa mưa bão

Admin
Cứ sau mỗi trận mưa lớn kéo dài, rất nhiều tuyến đường trong nội đô thành phố Hải Phòng bỗng hóa thành sông. Nguyên nhân do những yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng mỗi lần như vậy, hệ thống thoát nước của thành phố luôn là chủ đề nóng trong dư luận.

 Một số tuyến phố trong nội đô Hải Phòng ngập trong biển nước.

Trận mưa lớn diễn ra từ đêm 25/8 tới rạng sáng 26/8 vừa qua khiến nội đô thành phố ngập trong biển nước, người dân khốn đốn khi tham gia giao thông, một số khu vực cây đổ, nước tràn vào nhà người dân. Ngoài những tuyến đường trục chính, những đường nhỏ và ngõ ngách trong các khu dân cư với cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tình trạng ngập lụt là nỗi ám ảnh với những người dân.

Chị H.T.L, chủ một hộ gia đình tại xóm Vó, đường Tiền Phong, phường Đằng Hải, quận Hải An bức xúc: Gia đình tôi chuyển tới đây được 3 năm, hàng năm cứ vào mùa mưa bão là nước dâng rất nhanh do con mương ở đầu đường không thoát được nước. Chỉ 1 đến 2 tiếng sau cơn mưa là nước ngập vào tận nhà đến 30cm, ngoài đường có chỗ ngập đến 1m. Mỗi lần như vậy là đồ đạc đều bị nước ngập hỏng, tôi rất lo sợ vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập điện. Hơn nữa, sau khi mưa tạnh vẫn phải mất gần một ngày để nước xuống, nhà cửa bốc mùi hôi thối do nước ở mương dâng lên là nước thải.

 Hộ gia đình chị H.T.L ngập sâu sau trận mưa lớn.

Anh P.V.M - một người dân khác cũng sống tại địa bàn phường Đằng Hải cho biết: Sau trận lụt, anh không dám về nhà vì xe máy không thể “bơi” qua được chỗ ngập. Anh chia sẻ, vì mương nước và con đường khu anh sống liền kề nhau, sau khi ngập lụt, toàn bộ nhìn giống một con sông, không thể phân biệt được đâu là đường đâu là mương nước, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm nếu như có người bị hụt xuống mương, nhất là trẻ em.

 Hình ảnh được ghi nhận tại xóm Vó, đường Tiền Phong, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng.

 Mương nước tràn lên đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro cho người dân.

Việc những ngập lụt mỗi khi mưa bão không phải là vấn đề mới diễn ra. Ngoài việc gây khó khăn cho giao thông, áp lực lên cơ sở hạ tầng còn dấy lên nhiều nguy cơ về tai nạn chết người. Mặc dù, mỗi năm đều có các văn bản chỉ đạo chống ngập lụt, đảm bảo hệ thống thoát nước của cơ quan chức năng, nhưng thực trạng này vẫn diễn ra.

Đi tìm câu giải đáp về việc nội đô thành phố thường xuyên hóa sông, PV Báo điện tử Xây dựng đã trao đổi với đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng. Vị đại diện này cho biết, nguyên nhân ngập lụt là được do cao độ nền khu vực đô thị của thành phố tương đối thấp, do tốc độ đô thị hóa, dân số đô thị Hải Phòng tăng nhanh trong khi hệ thống hạ tầng nói chung và hệ thống thoát nước nói riêng chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển.

Cùng với đó, Hải Phòng là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên thường xuyên có mưa lớn, kết hợp cùng với triều cường nên nguy cơ xảy ra ngập lụt trên diện rộng là rất lớn nếu diễn ra tổ hợp mưa lớn, lũ sông và triều cường.

 Đường Lê Hồng Phong, một tuyến đường trục chính được coi là con đường đẹp nhất Hải Phòng cũng biến thành dòng sông mỗi khi xảy ra mưa bão.

Một số khu vực mức độ ngập lụt có triều hướng gia tăng cả về chiều sâu, diện tích ngập lụt và thời gian ngập lụt như khu vực quận Hải An. Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, còn chắp vá đan xen giữa hệ thống cũ và hệ thống mới. Một số nơi công trình thoát nước mới chưa kết nối đảm bảo với hệ thống thoát nước cũ hiện trạng.

Diện tích các hồ điều hòa, mương thoát nước còn hạn chế mới đáp ứng khoảng 20% so với yêu cầu thiết kế cho khu vực đô thị lõi. Việc thiếu trên 200ha diện tích hồ điều hòa đã làm giảm khả năng lưu trữ và điều tiết nước mặt. Một phần do ý thức của cộng đồng dân cư (xây dựng nhà trái phép; san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ; xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống và ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước) làm cho tình trạng tiêu thoát nước càng khó khăn thêm.

Giải pháp khắc phục trước mắt cho tình trạng trên: Tăng cường công tác duy tu, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, phát huy tối đa hiệu quả của các công trình thoát nước hiện hữu. Thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ga, nạo vét bùn lắng trong lòng cống, nạo vét kênh, mương; khơi thông dòng chảy, cửa xả tiêu thoát nước.

Ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ, nâng cấp hệ thống thoát nước cho một số khu vực bức xúc về thoát nước. Đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật đã và đang thi công thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, thực hiện việc đấu nối thoát nước, tháo dỡ các điểm hoành triệt để đảm bảo việc tiêu thoát nước.

Các dự án dở dang yêu cầu khẩn trương hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc để đưa dự án vào thực hiện tiếp và sớm thi công xong. Tuyên truyền nâng cao ý thức công dân, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc giảm thiểu mức độ ngập lụt đô thị cũng như giảm thiểu tác hại của ngập lụt gây ra cho cộng đồng dân cư. Theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng thủy văn và các thông tin về thời tiết.

Về giải pháp lâu dài, triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch thoát nước thải và thoát nước mưa đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 và Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 8/3/2018. Theo đó, Hải Phòng cần xây dựng bổ sung 447,84km đường cống các loại, 174 trạm bơm nước thải và 33 trạm bơm nước mưa (công suất từ 3m3/s đến 12m3/s).

Sau khi quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tổ chức lập, thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt Đồ án quy hoạch chuyên ngành thoát nước; đề xuất cụ thể các dự án, giải pháp dài hạn và tổng thể phù hợp với quy hoạch, đồng bộ với Dự án phát triển hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Hải Phòng sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước các khu vực còn thiếu và yếu về thoát nước. Dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ (hệ thống cống thoát nước, đê bao, công trình ngăn triều, hệ thống bơm hỗ trợ) và kết nối được với các công trình thoát nước hiện trạng có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn.

Lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị Hải Phòng để quản lý xây dựng. Theo đó, các đơn vị chức năng cần quản lý việc xây dựng và tuân thủ cao độ nền đã được phê duyệt của tất cả các dự án, các công trình xây dựng. Xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, lập trung tâm cảnh báo ngập lụt, lũ quét, triều cường để có giải pháp cảnh báo cho người dân khu vực này phòng tránh an toàn và hiệu quả.

Tác giả: Vĩnh Bảo

Nguồn tin: Báo Xây dựng